Sau khi tạp chí ASĐ tháng 2-2011 đăng bài “Một trời sáng tạo” của tác giả Nguyễn Đức Chính, nhiều bạn đọc gửi bài trao đổi ý kiến. Chúng tôi xin giới thiệu một bài của bạn Nguyễn Văn Thành.

Qua 2 tạp chí chuyên ngành nhiếp ảnh là Ánh Sáng Đẹp (Hội Nhiếp Ảnh Tp. HCM) và tạp chí Nhiếp Ảnh (Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN) cùng là số báo Xuân Tân Mão 2011. nhà PS* Nguyễn Đức Chính có bài viết, đọc tiêu đề là thấy ngay “Chểnh - Choáng – Chán” rổi. Đó là “Một trời sáng tạo” (Ánh Sáng Đẹp) và “Nhiếp ảnh Việt Nam đã có bản sắc hay chưa?” (Tạp chí Nhiếp Ảnh) - cũng với giọng điệu cũ “dao to búa lớn”, nếu đọc lướt qua có vẻ hàn lâm nhưng kỹ một chút đi vào trọng tâm bài, nó lộ ngay cái tôi cá nhân với lối nhìn thiển ý, thiển cận. Hãy nghe ông vào bài “tôi muốn được trao đổi với các bạn nghề chung quanh vấn đề sáng tạo (nghệ thuật)”.

Sáng tạo như đã biết chỉ có Đấng Sáng Tạo (Trời) mới sáng tạo. Nói gì thì nói sáng tạo là từ không mà có. Con nguời là giống thụ tạo nên chỉ có thể sáng chế, sáng tác, sáng lập ... từ những cái đã có về tinh thần hay vật chất, từ cái thấy được đến cái không thấy được, duy tâm hay duy vật cũng vậy. Theo ông “sáng tạo (nghệ thuật) trong nhiếp ảnh là nhà nhiếp ảnh đối diện những gì mà hiện thực cung cấp, làm ta quan tâm, khiến ta xúc động để ... chộp bắt”. Như thế là nhờ máy móc thông qua kỹ thuật, trước hiện thực có sẵn, người nhiếp ảnh tùy khả năng cứ thế mà bấm máy, cộng thêm hậu kỳ đa số là không do chính người chụp thực hiện để có được ảnh, như vậy sáng tạo chỗ nào?

Còn nói theo tác giả “sáng tạo từ cuộc sống vào tác phẩm ... sáng tạo khi bố cục tạo hình ...” lý sáng chỉ tiếp theo trong bài báo thô thiển, lụn vụn và cũ mèm. Thật buồn về nghĩa thuật ngữ khi từ “high key”, nhà PS Nguyễn Đức Chính nói là “tạo sắc sáng” đúng ra phải là “sắc độ nhẹ” mới đúng. Còn thêm “low key”, ông nói là “sắc trầm” mới lạ chứ mà phải là “sắc độ nặng” mới đúng. (Nên nhớ ông cũng là giảng viên nhiếp ảnh)

Điều nổi bật là tác giả muốn chứng tỏ cái tài “sáng tạo nghệ thuật” của mình nên đã minh họa bằng ảnh mình chụp “sông Đáy” cố ý ghi thêm 2 chữ (chân thực). Một bức ảnh đẹp dưới trung bình, vậy mà còn ngầm so sánh với tác phẩm “sông Đáy” in phía dưới ảnh ông của nhiếp ảnh gia tên tuổi Trần Xán Vinh (ghi chú của ông là theo thủy mạc). Ông còn thêm ảnh minh họa nữa là “lá xanh, lá vàng”, tấm ảnh còn ở tầm xa thấp hơn trung bình đến tầm thường. Nhưng đó lại là “sáng tạo” (nghệ thuật) của ông.

Điều lạ lùng và quá đỗi ngạc nhiên khi tác phẩm “Cánh buồm ma” của cố nhiếp ảnh gia tên tuổi Cao Đàm được tác giả minh họa thêm sáng giá cho bài “một trời sáng tạo” và như vậy là ngợi ca ảnh đó, nhưng chính tác phẩm “Cánh buồm ma” đã bị chính ống Chính lên án gắt gao, cho rằng ảnh này không hiện thực XHCN thuộc loại ảnh cẩn loại trừ ngay từ năm đầu sau ngày thống nhất đất nước 30.04.1975. Như vậy ông Chính đã “tự đánh mất mình”, phản lại mình, với quan điểm bất nhất hay đã “đấm ngực ăn năn” chăng?

Trong bài “Nhiếp ảnh Việt Nam đã có bản sắc hay chưa?” (Tạp chí Nhiếp Ảnh - Hội NSNẢ VN) qua tiêu đề người đọc bị mê hoặc, cướp hồn ngay như “hành trình bản sắc nhiếp ảnh Việt Nam” rồi “Hội nhập quốc tế phải trên cơ sở bản sắc dân tộc Việt Nam” (chắc là xót chữ nhiếp ảnh sau chữ hội nhập)

Hành trình gì còn được chứ hành trình bản sắc sao được? Đã gọi là bản sắc thì không thay đổi. Bản sắc là bản sắc, nhất là bản sắc dân tộc là bản sắc muôn năm tất nhiên hơn cả 1000 năm. Không thể có hành trình bản sắc thế này thế nọ. Quan trọng hiểu thế nào cho đúng “bản sắc dân tộc Việt Nam”. Chuỗi từ cao đẹp này duờng như đã bị “sáo mòn” cứ đuợc nhắc tới kiểu con vẹt nhất là khi đề cập tới vấn đề văn hóa nghệ thuật là y như đề cập tới phải có “bản sắc dân tộc” - Nhưng còn đó bản sắc dân tộc là sao, đâu là những tác phẩm VHNT đúng là xứng tầm “tác phẩm mang bản sắc dân tộc”.

“Hội nhập quốc tế phải trên cơ sở bản sắc Việt Nam” hãnh diện thật, đúng quá đi thôi. Bản sắc dân tộc luôn là cơ sở, nền tảng cho hội nhập quốc tế bất kỳ trên lãnh vực nào trong đó có nhiếp ảnh là phải phép, cần thiết và cao đẹp.

Nhưng với phân tích “hụt hẫng” của tác giả có nhận ra được gì, đâu là điểm rõ nét bản sắc dân tộc Việt Nam. Còn theo cách “nói ra” của tác giả qua hiểu biết về FIAP (Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh Quốc tế) còn sơ sài quá chưa kể còn biểu lộ quan điểm cục bộ, áp đặt kiểu “thầy đời”, đó là quan điểm cá nhân chẳng đáng gì.

Các ảnh minh họa cho bài “Nhiếp ảnh Việt Nam đã có bản sắc hay chưa?” đều “lạc điệu”, lạc đề chẳng có ảnh nào phản ánh đuợc “bản sắc dàn tộc VN” chưa kể còn phản cảm “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Ngoài 2 bài báo trên, thật tình cờ, trong những ngày nghỉ Tết Tân Mão 2011, đọc lại báo lưu Ánh Sáng Đẹp bắt gặp bài tiêu đề “Phong cách nghệ thuật - cái tôi “trong sáng tạo” (trang 8 Ánh Sáng Đẹp số Xuân Mậu Tý 2008) với cách trình bày “nổi” đã kéo sự chú ý “sốc” cho người đọc. Nếu không phải là PS Nguyễn Đức Chính thì tôi đã không góp ý kiến - nhưng đằng này “Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh” (PS) có những ý kiến nông cạn và nhất là sai sót cần phải được góp ý trao đổi công khai trên diễn đàn - lý luận của quí báo. Đây là công luận và trách nhiệm của cơ quan báo chí.

Qua bài PCNT - cái “tôi” trong sáng tạo cho thấy rõ ngay, đúng là cái tôi phong cách PS Nguyễn Đức Chính lý luận dài dòng, trích dẫn kiểu kinh điển, cứ như thể “khoe ra” cái sự hiểu biết rộng, nhung thực chất chỉ là sự “hù dọa” tầm thường thế thôi, như nói “phong cách cá nhân là gì?”, PS diễn ý trích từ “tự điển tiếng Việt” nhưng tác giả “tự điển tiếng Việt” là ai? Nhà xuất bản nào? Năm tháng nào? Rồi PS viện dẫn thêm “phong cách là chỗ độc đáo mang phẩm chất thẩm mỹ cao được kết tinh trong sự sáng tạo cùa nhà văn và ghi là “tự điển văn học”. Tự điển này, ai là tác giả? ... Tiếp theo PS nhấn mạnh rập theo ý kiến cùa nhà thơ Nguyễn Đình Thi “mỗi nhà thơ có tâm hồn riêng”. Nhà văn, nhà thơ khác với nhà nhiếp ảnh, ăn nhập gì và càng không thể là mực thước cho nhiếp ảnh.

PS khẳng định ở đoạn tiếp theo “sự riêng biệt của nhà nhiếp ảnh là ở chỗ lựa chọn đề tài: sự chú ý vào một số chi tiết nào đó (ví dụ : Chụp phong cảnh thiên nhiên có người chụp vẻ gân guốc dữ tợn - có người ưa chụp vẻ mềm mại nên thơ) … Ở đây thay 2 chữ chi tiết bằng chủ đề sẽ hợp lý hơn. Phong cảnh thiên nhiên mà cũng “vẻ gân guốc dữ tợn” thì đúng là phong cách của PS rồi.

Mỗi thể loại có cách thể hiện riêng và phong cách khác nhau ở cá nhân hay nhóm. Theo PS, “Giữa thập niên 1980, nhóm Duhuvita khởi xướng đề tài chụp - đời thường”. Thực sự trước nhóm Duhuvita ở Hà Nội thì năm 1979 tại Tp. HCM đã có “nhóm ảnh đời thường” chuyên chụp ảnh đời thường và đã mở 2 cuộc triển lãm công khai tại Nhà Văn Hóa Tân Bình, Tp. HCM. Như vậy chụp ảnh đề tài đời thường đâu phải do nhóm Duhuvita khởi xuớng như PS đã khẳng định. Việc sắp xếp các thế hệ nhiếp ảnh của PS xem ra cũng không chính xác gì.

Tác giả Đào Hoa Nữ xuất bản sách ảnh đúng nghĩa sách ảnh như PS gọi là “Album lớn” nghe chối tai và sai từ quá. Tên sách của Đào Hoa Nữ là “Việt Nam, quê hương tôi” không phải là “Quê hương Việt Nam” tên sách ảnh của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Mạnh Đan.

Theo PS, nhà nhiếp ảnh Hoàng Thế Nhiệm “hình thức chụp đất nuớc bằng ống kính panorama”. Lạ chưa, làm gì có ống kính panorama - không biết thì dựa … còn muốn biết thêm xin “bạn hỏi, Ánh Sáng Đẹp …”. Vẫn theo PS “Nguyễn Xuân Khánh không có điều kiện đi xa, chỉ với sân khấu “vườn nhà” ... lại một sự không biết đáng trách nữa - Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Xuân Khánh từng đi nhiều nơi, có điều kiện đi xa hơn nhiều anh em khác - Từng chụp tại Tây Ban Nha, Pháp, Cam-pu-chia và đi nhiều tỉnh thành trong nước, đã triển lãm tại Hội NẢ Tp. HCM và một số nơi khác ... Đáng lẽ PS nên viết “Tác giả Nguyễn Xuân Khánh” không cần đi xa, chỉ với sân khấu vườn nhà cũng đã làm nên một cuộc triển lãm 1 phẩn 30 giây mới nghiêm túc.

Kết bài, PS muốn khoe cái “tôi” cũng có một phong cách nhưng chỉ tiếc 3 ảnh dẫn chứng không thuyết phục được ai. Ảnh “Mắt bão”, vành đai diệt Mỹ Trại Bí 1969 đoạt giải thưởng lớn OIJ - có thật không? Xin trưng bằng chứng cụ thể.

Ảnh “Ấn tượng sông nước Cà Mau” chẳng ấn tượng gì, chụp như vậy tay máy ngang cũng dễ dàng có được. Rồi chú thích không thuyết phục: Cà Mau hay Hậu Giang, Đồng Tháp hoặc ở đâu như Cần Giờ cũng đúng thôi.

Ảnh “Đến bến - Phú Quốc 2003” còn tệ hơn nữa - mơ hồ rối rắm, không bật ra được chủ để, chú thích cho có (cứ như thật).

Nghe nói, PS VAPA Nguyễn Đức Chính còn là cây bút “gộc”, tự coi là “cốt lõi” viết về lịch sử nhiếp ảnh VN - nhưng với những thiếu sót và nông cạn như các bài báo dẫn chứng trên thì chắc ông viết về lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam cũng lệch lạc, thiếu, sai sót trầm trọng. Vấn đề này cần phải được các vị thuộc cơ quan thẩm quyền xem xét lại.

NGUYỄN VĂN THÀNH
(Độc giả thường xuyên lâu năm của tạp chí Nhiếp Ảnh và Ánh Sáng Đẹp)

* Nhà lý luận phê bình

(trích tạp chí ÁNH SÁNG ĐẸP trang 10 số 170 – 03.2011)


Dẫn nguồn:
https://vanminhsucsongviet.com/blog
https://vanminhsucsongviet.net/blog