VIỆC CẦN LÀM NGAY CHO LỊCH SỬ NHIẾP ẢNH VIỆT NAM
07/07/2022 17:53
0 nhận xét
1,011 lượt xem
Mặc dù tôi không được Hội Nghệ sĩ NẢVN đề nghị bằng văn bản góp ý kiến về cuốn sách Lịch sử NẢVN nhưng đã được đọc “ké” và với tư cách là Hội viên tôi mạnh dạn, đóng góp “đôi lời” cho LSNẢVN. Thực sự, nếu không có được những động viên của người này, người khác sẽ chẳng có bài góp ý này.
Cũng may là LS NẢVN còn ở dạng bản thảo.
Phải nói sách LS NẢVN bản thảo in lần thứ 7-2007 to đẹp, dày và tầm cỡ hơn bản thảo phát hành năm 1993. Có một số thay đổi thấy ngay đó là “Lời giới thiệu” (ông Hoàng Tư Trai) bằng “Lời nói đầu” (ông Chu Chí Thành). Nhân sự Nhóm biên soạn có thay đổi vài người. Có điều lạ giống nhau ở chỗ cả hai lần in năm 1993 và năm 2007 là anh Nguyễn Long và anh Lê Phức đã chết vẫn còn để tên. Nếu nói vì các anh có công biên soạn nên để lại thì tại sao lại bỏ tên một số người khi in lần thứ 7 và thay luôn cả lời giới thiệu ban đầu.
Nội dung toàn thể tôi đọc chưa kỹ bởi không được phân phối sách LSNẢVN để tham khảo, nhưng một số vấn đề nổi cộm cần nói ngay và làm ngay sau khi đọc sách LSNẢVN:
1- Sách LSNẢVN còn có những cái thiếu - sai sót nhất là về nhiếp ảnh Sài Gòn và miền Nam. Người “chấp bút” xem ra còn thiển cận - thiếu hiểu biết sâu sát và viết với quan điểm rất cá nhân, hẹp hòi...
Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi chưa nhiều hội thảo công khai và góp ý qui mô, trách nhiệm “rộng rãi” một cách rõ ràng, sâu sắc chuyên sâu về lịch sử NẢVN dù bản thảo LSNẢ VN đã in tới lần thứ 7. Còn thứ lần in trước : 6-5-4-3 ... không biết hình thức nội dung ra sao ? Ông Lê Phức có đề tựa lần nào không ?
2- Không có Nguyễn Ái Quốc ngày 5/6/1911 rời Bến Cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) mà chỉ có Nguyễn Tất Thành “với ý chí đi tìm đường cứu nước” rời Bến Cảng Nhà Rồng. (Lịch sử phải chân xác chứ).
3- Nguyễn Tất Thành từ Việt Nam lưu lạc qua Anh và sau khi ở Pháp một thời gian mới có biệt danh Nguyễn Ái Quốc - Khi là Nguyễn Ái Quốc đã là thợ ảnh vững tay nghề tại Pháp với sự giúp đỡ trợ lực nghiệp vụ của hiệu ảnh Khánh Ký, được sự dẫn dắt, tạo cơ hội của luật sư Phan Văn Trường, nhà trí thức Phan Chu Trinh, từng bước dân thân vào lãnh vực hoạt động chính trị yêu nước mỗi ngày sắc nét hơn. Qua việc làm và cuộc sống hoạt động của Nguyễn Ai Quốc, phải nói nhiếp ảnh là môi trường, là giải pháp đúng, hữu hiệu giải quyết mặt kinh tế, còn là chuyên cớ tạo nhịp cầu hiệu quả tốt cho việc gặp gỡ móc nối, sinh hoạt chính trị yêu nước. Có thể nói nhiếp ảnh góp phần không nhỏ cho Nguyễn Ái Quốc trong việc tiếp thu và hình thành XHCN ở giai đoạn “Vạn sự khởi đầu nan” vì từ Nguyễn Ái Quốc tiếp nối trở thành Hồ Chí Minh rồi Hồ Chủ Tịch tiên phong lãnh đạo Đảng và đất nước Việt Nam XHCN.
4- Ông Đặng Huy Trứ không thể là người Việt Nam đầu tiên đưa nghề ảnh vào Việt Nam. Đơn giản tìm thấy câu trả lời chính trong sách LSNẢVN (trang 14, 15). Theo đó năm 1845 tác giả người Pháp Jules Itier đã chụp ảnh tại Việt Nam trong đó có bức ảnh mang tên Đồn “Non Nay” hiện còn lưu trữ tại Bảo tàng Pháp. “Năm 1862 Pháp chiếm thành Thăng Long - Quân viễn chinh Pháp đến Đông Dương đã mang theo .... phát minh ấy (tức nhiếp ảnh) - Họ sử dụng máy ảnh cho việc nghiên cứu và chinh phục thuộc địa”.
Dùng nhiếp ảnh cho việc chinh phục thuộc địa tất nhiên người Pháp không thể không dụ dỗ, chiêu mộ, cảm hóa một số người Việt bằng nhiếp ảnh. Để phụ việc và chụp ảnh tiếp tay cho họ. Chưa kể làm sao tránh được một số người Việt tìm cách đến với người Pháp, hãnh diện là đằng khác, đắc lực làm nhiếp ảnh cho Pháp.
Tới ngày 15/3/1869 hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường do ông Đặng Huy Trứ làm chủ mới ra đời thì làm sao là “người Việt Nam đầu tiên đưa nghề ảnh vào Việt Nam”. Rất tiếc tới nay không có một ảnh nào còn lưu lại từ hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường như sách LSNẢVN đã khẳng định (Chắc thế không ? hãy nên xét lại điều này, vì còn một ảnh Cảm Hiếu Đường chụp rằm tháng 8 năm 1869). Có chăng ông Đặng Huy Trứ là người Việt Nam đầu tiên mở hiệu ảnh của người Việt tại Hà Nội.
5- Sự chuẩn bị và tiến hành cho việc thành lập Ngành nhiếp ảnh thuộc Hội Văn nghệ Giải phóng năm 1976 (tới năm 1982 chính thức là Hội Nhiếp ảnh TP.HCM trực thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật TP.HCM) làm gì có ông Nguyễn Đức Chính và Nguyễn Đặng. Trong khi đó bỏ quên các ông Trịnh Đình Thu - Mười Hiến - Tư Thành - Chín Lượng - Đinh Phong ... thật đáng trách.
Riêng ông Trịnh Đình Thu, nhà NẢ cao tuổi góp nhiều công lao, còn từng là ủy viên BCH Hội NSNẢVN - Phó Tổng thư ký Hội NẢ TP.HCM ... nhưng không hề được nhắc tên. Chưa kể ông còn là chủ hiệu ảnh Đống Đa, một “địa chỉ đỏ nhiếp ảnh” quan trọng, qui mô duy nhất ở Sài Gòn và có thể nói của cả miền Nam trước 30/4/1975. Nhưng cũng bị quên luôn. Đây là điều quá cụ thể và hiển nhiên mà còn mập mờ thiếu sót hoặc không được kể tới, huống chi những chuyện, sự việc nhiếp ảnh khác. Điều này đã gây sốc mạnh, khiến nhà nhiếp ảnh cao tuổi Trịnh Đình Thu (87 tuổi) bức xúc và đã nói trong CLB Nhiếp ảnh Người cao tuổi Sài Gòn và một số anh em nhiếp ảnh là làm đơn xin ra khỏi Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho rồi vì không thể chấp nhận kiểu “ăn cháo...” hay “qua cầu...”.
6- Không cần liệt kệ thành tích cá nhân và triển lãm ảnh cá nhân trong sách LSNẢVN bởi lẽ không bao giờ đủ và tính chính xác có được bao nhiêu phần trăm? Có cá nhân tác giả nói đạt cả trên 150 giải ảnh quốc tế. Người khác lãnh cỡ 200 giải ảnh trong nước. Nhưng bằng chứng có tại cơ quan thẩm định và lưu trữ ở Hội, hỏi được 50% không? Việc này chỉ làm dày sách, thêm số trang tốn tiền không giá trị gì. Còn làm cớ cho sự thắc mắc và lộ rõ cái thiếu sót.
7- Nói đến triển lãm ảnh không thể nào quên được trước 30/4/1975 đã có tới 6 kỳ thi và triển lãm ảnh quốc tế tầm cỡ tại Sài Gòn. Ngày khai mạc rất long trọng, hoành tráng và trong suốt thời gian triển lãm, cờ các nước tham dự đều được treo đồng loạt ngang bằng nhau trong đó có cờ của Ba Lan - Hung Gia Lợi (Hungari) - Tiệp Khắc. Không có phân biệt giới tuyến hay chủ nghĩa trong nghệ thuật nhiếp ảnh.
8- Nhắc tới nhiếp ảnh quốc tế làm sao lại có thể viết quá sơ sài về lực lượng nhiếp ảnh Việt Nam được chi viện hoặc đi làm công tác nghiệp vụ tại Đông Dương cụ thể là hai nước anh em Lào và Cao Miên (nay là Campuchia). Thậm chí có một vị trong hàng Lãnh đạo ngành Công An và Tòa Án qua hai cuộc kháng chiến từng lấy nghề nhiếp ảnh để, vừa mưu sinh vừa làm vỏ bọc Hoạt động Cách Mạng và làm Kinh tế cho Đảng tại Sài Gòn, sau tại Chiphou bên Cao Miên nhưng tại sao trong sách LSNẢVN lại không hề nhắc đến một chữ nào ???.
9- Chỉ nên thống kê có hệ thống khoa học các cuộc triển lãm và thành tích cá nhân qua các cuộc thi ảnh, giải xuất sắc cấp quốc gia và quốc tế do Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức. Có chăng, thêm phụ lục một tổng hợp khái quát về các cuộc thi ảnh cấp tỉnh, thành, khu vực định kỳ hoặc các dịp đặc biệt nào đó. Nếu các cuộc thi có sự bảo trợ của Hội NSNẢVN càng hay. Thành tích cá nhân nếu thực sự nổi bật cũng chỉ làm công việc điểm tin thôi.
10- Nói về LSNẢVN cần gì phải “dài dòng” lê thê cách chung chung, đề cập tới các cơ quan, hệ thống báo chí của Đảng, Nhà nước từ TW đến địa phương (trang 93)? Có chăng là chỉ nên giới thiệu, phân tích các tạp chí, báo chuyên về nhiếp ảnh.
11- Không đúng lắm và càng không thuyết phục khi xác lập kể tên một số người được dẫn chứng nói rằng “Xuất hiện các nhà nhiếp ảnh trẻ đáng kể được đào tạo sau khi thống nhất đất nước. Họ đã thực sự góp phần vào việc hợp thành và phát triển khuôn mặt mới của nhiếp ảnh nước ta” (trang 94). Nói thế thì lớn lao quá !
12- Một số tên tác giả cũng chỉ là do người “chấp bút” chủ quan cá nhân nên đã được đưa vào “đội ngũ, những người viết chủ yếu và là người thường xuyên có các bài viết trên tạp chí” về nhiếp ảnh? (trang 98) chính bản thân họ khi được biết “là thế” cũng chẳng chút “vui lòng”.
13- Theo hiệp định Geneve 54, Việt Nam chia đôi trở thành 2 nước Việt Nam (phía Bắc và phía Nam). Việt Nam đã thống nhất 33 năm rồi đang trên đà phát triển, hội nhập, ra biển lớn, toàn cầu hóa. Lịch sử NẢVN không lẽ chỉ có miền Bắc. Về thể thao, thơ, văn, nhạc, điện ảnh, sân khấu ... đều đã ghi nhận và phổ biến những thành quả tốt của miền Nam trước 30/4/1975 còn nhiếp ảnh trong sách LSNẢ tại sao còn cục bộ ? Nhiếp ảnh miền Nam được đề cập rất sơ sài lại còn nhiều sai sót... ( Nên thẩm xét lại toàn diện vấn đề này !!!.)
14- Phải công bằng và trung thực nếu liệt kê thành tích nhiếp ảnh Việt Nam, nhất là về nghệ thuật trong 30 năm (1945-1975) của cả hai thời kỳ chiến tranh phải nói miền Nam vượt trội hơn miền Bắc nhiều, cả về số lượng lẫn chất lượng ở trong nước, nhất là quốc tế. Sách LSNẢVN đâu làm thống kê cụ thể gì, chỉ nhắc qua loa, cho có về nhiếp ảnh Sài Gòn và phía Nam.
15- Dùng từ “các tờ báo hình ảnh” gắn cho một số báo thời vụ đang được phổ biến thì không được chỉnh lắm. Báo nào chẳng đăng, in nhiều hình ảnh. Nhất là ảnh thời trang, người đẹp, nhà đẹp đủ kiểu ... (trang 95). Chỉ nên đề cập và giới thiệu sách, báo chuyên về nhiếp ảnh, không cần phân tích sách ảnh mang tính cục bộ, nhất thời.
16- Hội nhiếp ảnh KBC thực chất được lập ra theo kiểu phong trào cho có, chứ làm gì có vai trò, nhiệm vụ ghê gớm “lớn lao” như cách “suy diễn - luận tội” hồ đồ của người viết gán cho thế này thế nọ. Tại sao không đề cập tới Hội nhiếp ảnh Việt Nam (ông Nguyễn Lê Giang - Hộị trưởng), Hội nhiếp ảnh Nghệ thuật (Lê Văn Khoa - chủ trì) và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nhiếp ảnh TP.HCM (Lâm Tấn Tài là giám đốc).
Ảnh trong sách “Việt Nam khói lửa” chỉ là ảnh riêng của cá nhân ông Hạnh không có chuyện “Ông Nguyễn Ngọc Hạnh tập hợp những ảnh...” (trang 83.)
Dùng từ Câu lạc bộ Nhiếp ảnh của Hội Việt Mỹ là không đúng - Bởi CLB không có chức danh Chủ tịch. Chủ tịch chỉ dành cho Hội. Kết luận “Văn học nghệ thuật, nhiếp ảnh vùng tạm chiếm” là “hụt hẫng, lạc lõng, bế tắc và phân hóa quyết liệt...” phải xét lại vì nông cạn và “Hụt hẫng” ngay ở lời kết luận. (trang 82).
17- Thành phần giảng viên đứng lớp nhiếp ảnh từ trước tới nay được nêu đích danh trong sách LSNẢVN không nhiều lắm. Riêng trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM được nâng lên từ trường Trung cấp VHNT, có khoa nhiếp ảnh chỉ có 3 giảng viên được nêu tên còn có mấy giảng viên khác có giờ dạy nhiều hơn, thâm niên hơn, lại có phần vụ điều hành khoa, quản lý lớp (lại không được nhắc tên).
18- Nên nhớ: Hội nhiếp ảnh TP.HCM được xem là nơi mở lớp đào tạo qui mô, liên tục, lâu năm nhất (từ 1979 và đang tiếp tục) của cả nước. Gồm trên 20 giảng viên đứng lớp cho 3 cấp 1-2-3 và 2 lớp chuyên sâu chân dung và xử lý ảnh. Mỗi cấp, mỗi lớp học liên tục mỗi ngày kết thúc 1 tháng vài ngày (không còn 2 tháng từ cả 10 năm rồi). Chưa kể từng có các trại sáng tác, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Hội đồng Giám khảo - Thành phần học viên đa dạng, phong phú cả về tuổi tác lẫn vị thế xã hội. Từ 10 tuổi tới 70 tuổi, đủ cả : Học sinh - sinh viên - công nhân - viên chức - công an - bộ đội - nhà báo - nhà giáo - nhà thơ - nhạc sĩ - diễn viên - ca sĩ - bác sĩ - kiến trúc sư - kỹ sư - doanh nhân - tu sĩ - người bình thường ... hàng chục vạn người đã học NẢ tại đây. Giảng viên của Hội NẢ TP.HCM còn giảng dạy ở các nơi như Đại học Nhân Văn, Tôn Đức Thắng, Mỹ Thuật, Văn Lang - Cao đẳng VHNT, Điện ảnh Sân khấu ... rồi tại Trung tâm dạy nghề, Trung tâm văn hóa - Nhà Văn hóa. Đặc biệt tại các trại sáng tác khu vực, lớp nhiếp ảnh địa phương trên 40 tỉnh thành. Có nơi nào hướng dẫn nhiếp ảnh liên tục dài hơi gần 30 năm, tiếp tục đang trên đà phát triển, như tại Hội NẢ TP.HCM. Đây phải được coi là điểm vàng về đào tạo nhiếp ảnh của cả nước. Như thế Hội NẢ TP.HCM không hơn bất kỳ nơi dạy nhiếp ảnh nào khác kể cả ở trường học lẫn thông tấn hay sao? Vậy mà trong sách LSNẢVN không hề nêu tên một giảng viên nào (có lẽ tại người biên soạn không được đứng lớp ở đây?) lại dùng hai từ “dạy nghề” có vẻ “thấp” kiểu kinh tế thị trường là không hay ho gì.
19- Nói thêm, nhiều nhà nhiếp ảnh thành danh trong 25-26 năm qua (đã từng là học viên ở đây) đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế và trong nước - sớm trở thành Hội viên nhiếp ảnh trong nước và quốc tế với các tước hiệu cao quí A - E - Hon... Một số đã, đang là ủy viên BCH - HĐNT - HĐGK - BKT - Giảng viên nhiếp ảnh thuộc Hội NẢ TP.HCM. Hội nghệ sĩ NẢVN ... Hoặc trở thành những cây bút, nhà nhiếp ảnh tên tuổi trên nhiều lãnh vực liên quan tới nhiếp ảnh...
20- Nói đến việc đào tạo nhiếp ảnh không thể quên một thời ở thập niên 80 sôi nổi ở Hội Liên hiệp Thanh niên VN TP.HCM. Trước đó là các lớp nhiếp ảnh được tổ chức “rôm rả, bài bản” tại Trung tâm sinh hoạt Thanh niên (nay là Văn hóa Thanh niên) số 4 Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch) (1977-1990) tiền thân của các lớp nhiếp ảnh tại Hội NẢ TP.HCM. Giáo trình căn bản và chính thống của các cấp 1-2-3 của Hội NẢ TP.HCM cũng từ các khóa nhiếp ảnh Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM. Sao chẳng có dòng chữ nào được đề cập ở sách LSNẢVN?.
21- Càng đọc và đọc với cái tâm, cái đức càng thấy cuốn sách sơ thảo về LSNẢVN càng cần phải làm sao vừa có khoa học vừa có trách nhiệm đúng mức hơn - bởi LSNẢVN không phải cho hôm nay, mà phải được trường tồn với thời gian và không gian mang đúng tầm vóc dân tộc Việt Nam xuyên suốt nhiều thế kỷ chứ không phải của riêng một thời đại nào. Người viết lịch sử phải có cái tâm, cái tầm đích thực. Viết sai về khoa học kỹ thuật là dốt, còn viết sai về lịch sử là đắc tội...
22- Làm việc một cách khoa học và trách nhiệm để đi đến hoàn chỉnh hơn cho sách LSNẢVN tôi đề nghị các bước tiến hành cụ thể như sau :
- Nâng Nhóm biên soạn thành Ban nghiên cứu LSNẢVN (nhân sự có thể thay đổi. Trước hết phải thay người “chấp bút” chính viết về nhiếp ảnh Sài Gòn và phía Nam - nên có nhà nghiên cứu lịch sử) - Văn phòng đặt tại Hà Nội.
- Lập 3 Tiểu ban trực thuộc Ban nghiên cứu phụ trách khu vực: phía Bắc tại Hà Nội - miền Trung tại Huế và phía Nam tại TP.HCM.
- Thành viên gồm những người (có thể không phải là hội viên của Hội) tự bản thân họ sống và hoạt động với nhiếp ảnh lâu năm - vốn hiểu biết về nhiếp ảnh sâu sắc (tự có hoặc do tích lũy viết, đọc hay sưu tầm...)
- Phân công phần vụ, chịu trách nhiệm rõ ràng (có chức, có quyền) - Làm việc có hưởng thù lao tương xứng.
- Các bài gửi đóng góp tùy mức độ được sử dụng một phần, bán phần, toàn phần, có nhuận bút đặc biệt trao cho tác giả (Sòng phẳng và công bằng).
- Bước đầu thời gian 3 tháng (Quý II-2008), Ban nghiên cứu rà soát - phân tích - chỉnh sửa - tổng hợp - đánh giá - gạn lọc và đúc kết từng bài từng chương mục và toàn thể bản thảo in lần thứ 7 sách NSNẢVN.
- Bước hai mở các cuộc hội thảo chuyên sâu công khai với thành phần hữu cơ liên đới theo miền về LSNẢVN của miền đó, qua các thời kỳ với nội dung : Hội nhập - Xây dựng – Tổ chức - Thành quả - hoạt động, phát triển tương lai theo từng mốc thời gian:
* Từ 1869 - 1900 * Từ 1900 – 1945
* Từ 1945 - 1954 * Từ 1954 - 1975 * Từ 1975 – 2007
Hội thảo công khai diễn ra dưới hình thức : báo cáo - trao đổi góp ý - đúc kết.
Ở miền Bắc trong Quý III/2008 - ở miền Nam trong Quý IV/2008.
Ở miền Trung trong Quý 1/2009 - Đúc kết và in ấn trong quý II + III/2009.
Lời nói đầu phải mang tính tập thể (Ban nghiên cứu LSNẢVN).
Phát hành sách LSNẢVN chính thức (in lần thứ I) nhân Đại Hội VII hội NSNẢVN tháng 12/2009 hoặc ngày 15/3/2010 (ngày nhiếp ảnh Việt Nam).
Năm 2008 - 2009, Hội cần đặt trọng tâm lớn vào việc phải làm cho được “ra ngô, ra khoai” một cách công khai, lương tâm và trách nhiệm để hoàn tất tốt đẹp sách LSNẢVN. Đừng chậm trễ và làm kiểu cho xong, sẽ đắc tội với lịch sử.
Biết bao người tâm huyết bằng cả tấm lòng, có khả năng sẵn sàng góp phần. Chỉ chờ Hội, có quan tâm trân trọng đối xử và mời cộng tác hay không.
23- Bản thảo LSNẢVN in tới lần thứ 7 không hề đề cập gì tới Đại hội VI (2005- 2010) cũng lạ. Đến bây giờ còn sử dụng mấy từ chia rẽ, dễ làm mất đoàn kết như: nhiếp ảnh vùng tạm chiếm, nhiếp ảnh thời thời kỳ Mỹ - Ngụy thật khó hiểu quá!
Còn nhớ thập niên 80-90 cái xấu như đĩ - điếm - xì ke, ma túy - trộm cướp... y như rằng báo chí, ngôn luận công cộng... kết án ngay đó là tàn dư mỹ ngụy, chế độ cũ để lại... nhưng rồi, khi những băng cướp áo trắng, xã hội đen, ma cô của thanh thiếu niên, hối lộ, tham nhũng... các tệ nạn xã hội hơi bị nhiều từ 20 năm qua và đến nay ai dám nói, báo nào còn dám dùng từ “đó là tàn dư...”.
Phi công (kẻ thù) dội bom xuống Hà Nội đã trở thành Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, được trân trọng và làm việc ngay tại Thủ đô Hà Nội. Còn đó vết thương đau năm 1979 Trung Quốc kéo quân qua đánh phá miền Tây Bắc Việt Nam, đã tới Sapa... rồi hiện nay Hoàng Sa, Trường Sa... vậy mà ta đã dễ “khép lại quá khứ”, dễ hòa hoãn với kẻ thù, với ngoại bang nhưng lại hay làm khó nhau, gây bất hòa lâu dài “ta với ta” cùng giòng máu Việt, cùng giới nhiếp ảnh như thế sao! Các nhà nhiếp ảnh Việt Nam chân chính, tâm huyết và nhân bản dân tộc không thể chấp nhận kiểu mất gốc, hãy bỏ những từ “nhiếp ảnh vùng tạm chiến, nhiếp ảnh thời Mỹ - Ngụy ... hãy trân trọng nhau, đừng làm mất lòng nhau chỉ vì “con sâu làm rầu nồi canh”. Hội đâu có chủ trương và quan niệm như vậy - chính sách của nhà nước còn cao và rộng - sâu hơn nữa hội nhập và ra biển lớn “toàn cầu hóa” kia mà. Nhà nước càng không bao giờ “nhỏ nhen” và thất nghĩa. Thực tế trong cuộc sống đời thường đa phần giới nhiếp ảnh sống không phân biệt, đối xử rất hài hòa - vị tha chân tình các mặt, không định kiến - không hề đố kỵ, tị hiềm nhỏ nhen gì - nhưng đọc sách LSNẢVN thấy buồn quá.
24- Ảnh viện dẫn về Cách Mạng Tháng 8 chỉ có 4 ảnh (trang 137-138). Ảnh xây dựng đất nước có 7 ảnh (trang 171-172-173-174) quá ít so với ảnh các nhà nhiếp ảnh đã hy sinh tới 16 ảnh (từ trang 210 đến 226).(Cũng nên thẩm xét lại toàn diện vấn đề này.)
- Số các nhà nhiếp ảnh tiêu biểu từ (trang 203 đến 207) có cần xem xét lại ?
- Nhà nhiếp ảnh tự làm hoen ố cái tâm, cái đức của mình vì “chấm ảnh của mình” (đề tên con) bị phát hiện và bị hủy giải có còn xứng đáng nằm trong danh sách “những nhà nhiếp ảnh tiêu biểu” không?.
- Ảnh Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu (Nguyễn Văn Thông chỉ mới phổ biến sau năm 1980 - trang 157) vì đạo pháp xếp vào chương mục “Ảnh kháng chiến chống Mỹ” là hoàn toàn không đúng, lại còn làm sai lệch ý nghĩa đích thực của thời cuộc lịch sử Sài Gòn 1963.
- Ảnh “Xẻ dọc trường sơn đi cứu nước” (Minh Trường) và ảnh “Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu” (Đoàn Công Tính) đã được giải quyết rốt ráo và xóa bỏ được sự bất đồng và nghi ngờ chưa?
- Tấm ảnh lịch sử quí hiếm “Xe dẫn đầu đoàn quân tiến vào Hà Nội ngày 10/10/1954 là của ai đích thực: Đào Trình hay Nguyễn Trung Kiên. Ảnh này in lớn ở trang nhất báo Lao Động cuối tuần số 39 ngày 05/10/2007 ghi tác giả là Đào Trình. Nhưng ngay số báo Lao Động tiếp theo số 40 ngày 12/10/2007 có lời đính chính của báo ghi ảnh đó là của tác giả Nguyễn Trung Kiên. Tiếp ngay sau đó, tác giả Đào Trình đã làm đơn khiếu nại gửi cho báo và với tư cách Hội viên ông Đào Trình đã gửi bản tường trình và đơn đến Hội nghệ sĩ NẢVN và Hội nhiếp ảnh TP.HCM, đưa bằng chứng cụ thể xin được xác nhận và phán quyết - đến nay sao rồi?
Viết lịch sử về giải phóng Hà Nội mà thiếu ảnh đó sao được.
25- Đọc một số bài viết, biên soạn trong sách LSNẢVN nhất là về miền Nam, nhận ra ngay đa phần chỉ mang tính cách cá nhân do sự hiểu biết nông cạn hoặc hỏi người này người kia, sao chép lại chỗ này chỗ khác, nặng phần “là bản báo cáo hoặc chỉ là bài báo” chứ không phải bài lịch sử và chắc chưa được kiểm tra thẩm định và phê duyệt đích thực - Chính vì vậy sách LSNẢVN còn những sai - sót là lẽ tự nhiên. Đây mới là bản thảo mặc dù đã in tới lần thứ bảy. Nếu tính sơ sơ chắc đã nhiều hao tổn cả về công sức một nhóm người, lẫn tiền bạc của chung nhưng thực sự chưa đáp ứng được điều ước mong về LSNẢVN tầm cỡ, đúng nghĩa. Tiếc là những lần in thứ mấy gì đó (sau năm 1993 và trước 2007) đã không có việc mở rộng sự góp ý cách qui mô và khoa học - chính là do công việc tiến hành trước đây vừa chậm - vừa cục bộ - vừa ỷ y - vừa thiếu ngân khoản. Cụ thể đáp ứng ...vừa ...
Bây giờ cần sự “siết tay” chung sức hợp lòng hơn nữa, làm tới nơi tới chốn về LSNẢVN không thì đã muộn.
LSNẢVN phải được tiến hành nghiêm túc, lương tâm, khoa học, trung thực, trách nhiệm và hiệu quả hơn nữa.
LSNẢVN không phải chỉ cho hôm nay, cho bất cứ thời đại nào. Mà LSNẢVN phải đồng hành xuyên suốt với thời gian và không gian mang đậm bản sắc dân tộc.
Đừng để thế hệ mai này, mươi mười lăm năm sau thôi, đã có ai đó dễ dàng nhận ra về sự sai sót sơ đẳng trong sách LSNẢVN, rồi nói ra, viết ra (như thể một phát hiện mới) hoặc coi sách( LSNẢVN cũng chỉ thế thôi) thì thật đáng buồn biết bao!
Chúng ta chớ để phải mắc tội với lịch sử vì những lý do không đáng gì.
Đó là tâm huyết, là tấm lòng tôi muốn góp ý và mong rằng sách LSNẢVN phải là một công trình lớn. Tất nhiên tốn kém bởi giá trị hơn gấp bội so với việc tài trợ sáng tác, giải xuất sắc quốc gia, liên hoan ảnh toàn quốc hàng năm...
Trong khi tiến hành hoạt động của tổ chức, việc trước mắt cần làm ngay : Hội thiết lập hộp thư, rồi trên trang Web và Tạp chí Nhiếp ảnh của Hội mở chuyên mục “Diễn đàn lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam”...
Trân trọng.
VŨ HÂN
(TP.HCM - Tháng 02/2008)
Nói thêm : - Ảnh “Đánh Chiếm Căn Cứ Đầu Mầu” của Đoàn Công Tính trong sách LSNẢVN là không chính xác về địa danh. Thực ra đây là địa danh ĐẦU MÂU chứ không phải Đầu Mầu ( MÂU đúng, Mầu sai.)
ĐẦU MÂU là một mỏm núi mà Chúa NGUYỄN PHÚC NGUYÊN sai ĐÀO DUY TỪ đắp chiến lũy từ đấy đến cửa Nhựt Lệ Quảng Bình. Sau này quân Pháp có đóng đồn tại mỏm ĐẦU MÂU đó. (Khắp cả miền Trung chỉ có một địa danh ĐÂU MÂU mà thôi !.)
Như vậy, ĐẦU MÂU là Địa Danh Lịch sử trên dưới 400 năm.
Còn riêng nội dung ảnh “Đánh Chiếm Căn Cứ Đầu Mầu” cần phải thẩm định lại tính xác thực của nó. Bởi Lịch sử là phải đúng sự thật nhất là hình ảnh ghi lại các sự kiện Lịch sử đó. Không thể có lịch sử dàn dựng thô thiển !!!...
ƯNG VIÊN NGUYỄN PHÚC HẢO
Dẫn nguồn:
https://vanminhsucsongviet.com/blog
https://vanminhsucsongviet.net/blog
THẢO LUẬN
Chưa có nhận xét cho Bài viết này.