CÁI CHẾT ĐẦY BÍ ẨN CỦA CỰU HOÀNG DUY TÂN NĂM 1945, LÂU NAY VẪN ĐƯỢC ĐĂNG TẢI NHIỀU TRÊN CÁC BÁO, NHƯNG VẪN CHƯA CÓ LỜI GIẢI. ĐỂ CUNG CẤP CHO ĐỘC GIẢ THÊM CHI TIẾT VỀ SỰ CỐ NÀY, CHÚNG TÔI XIN GIỚI THIỆU ĐOẠN MỞ ĐẦU CUỐN SÁCH CỦA P.JOURNOUD NHAN ĐỀ DE GAULLE VÀ VIỆT NAM (1945-1969)*. ĐẦU ĐỀ LÀ CỦA CHÚNG TÔI.

Ngày 26-12-1945, một chiếc Lockheed Lodestar trên đường bay đến đảo Réunion đã bị rơi xuống đất gần M’Baiki, giữa rừng sâu nhiệt đới của nước Cộng hòa Trung Phi ngày nay. Không một người nào trên máy bay sống sót. Vì không có gì để giải thích “tai nạn” mới này, khiến cho cho những lời bàn tán về bí ẩn của một loạt tai nạn đã xảy ra thêm rôm rả, đường hàng không giữa Paris và Ấn Độ Dương bị coi là con đường ma ám. Nhưng lẩn này, bi kịch lại có một tầm vóc hoàn toàn khác. Trong 6 hành khách trên máy bay, có một ông hoàng Việt Nam 45 tuổi, mà quá khứ nổi tiếng và óc thông minh chính trị đã đưa ông trở lại Việt Nam, qua một hiệp nghị bí mật với tướng de Gaulle, để liên kết người Việt Nam thực hiện một cuộc giải chủ nghĩa thực dân một cách hòa bình dưới sự chủ trì của ông Tướng này.

Làm vua An Nam từ năm 1907 đến 1916, dưới niên hiệu Duy Tân, ông hoàng Vĩnh San đã bị nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương đày sang đảo Réunion, cùng với một phần gia đình, sau khi ông đã tham gia chỉ đạo một cuộc nổi dậy nhằm giành lại độc lập cho đất nước. Ông chấp nhận sự hy sinh đó, khi vừa ra khỏi tuổi vị thành niên, để tránh cho những người tham gia âm mưu khỏi một cuộc đàn áp đẫm máu, trong khi mưu đồ đó đã tỏ ra sẽ thất bại ngay từ khi khởi sự. Trong gần 30 năm, ông đã trưởng thành trong chịu đựng và sống kín đáo ở nơi lưu đày xa xăm, sống nhờ một khoản trợ cấp khiêm tốn của chính phủ Pháp, với vài niềm say mê, như trò chơi vô tuyến điện. Khác với vua cha, cựu hoàng Thành Thái (1889-1907), cũng bị người Pháp hạ bệ và lưu đày đồng thời với con, Vĩnh San không khước từ văn hóa của kẻ thực dân trong quá trình lưu đày. Ông cũng không từ bỏ ngai vàng, vẫn tự coi là vị hoàng đế hợp thức cuối cùng của nước Nam, từ chối một ngày kia sẽ giữ vai trò có ích cho đất nước làm mồi cho một nền đô hộ nước ngoài mà ông không thừa nhận trên nguyên tắc, nhưng cũng không sa vào những cuộc tranh chấp nội bộ ngày càng trầm trọng. Cho nên, trước mối đe dọa gia tăng của chủ nghĩa Quốc xã từ năm 1936, ông đã liên tiếp yêu cầu được tham gia quân đội Pháp, trong khi từ chối một số đề nghị bí mật thoát khỏi sự giam cầm để hoạt động cho Việt Nam, mà ông chủ trương phải trở về một cách xứng đáng. Nhờ chiếc máy thu thanh khỏe của mình, ông nghe được lời kêu gọi của de Gaulle trên sóng BBC ngày 18 tháng 6-1940, và lập tức tham gia một hình thức kháng chiến bí mật, khiến ông bị giam giữ hành chính một thời gian ngắn theo lệnh của nhà chức trách thuộc phái Vichy ở đảo Réunion. Khi đảo này gia nhập phong trào kháng chiến của nước Pháp tự do năm 1942, ông làm việc hợp đồng trên chiếc tàu chống ngư lôi Léopard, treo cờ mang chữ thập Lorraine(1), với tự cách là phụ tá rồi phụ trách vô tuyến điện. Mặc dầu đã gửi nhiều yêu cầu xin ra mặt trận, nhà cầm quyền quân sự Pháp, từ lâu đã nghi kỵ ông hoàng dân tộc chủ nghĩa có quá khứ nổi loạn này, nên mãi đến tháng 1-1944 mới chấp nhận đưa ông vào quân đội Pháp với quân hàm chuẩn úy.

Đặc biệt dư luận mạnh mẽ trong quân đội cũng như trong Bộ thuộc địa, khiến cho ông bộ trưởng phải phản đối sự có mặt của ông hoàng ở Paris, thái độ ngập ngừng đó từng bước được vượt qua vào năm 1945, nhờ sự can thiệp cá nhân của tướng de Gaulle. Được cử làm cao ủy Đông Dương và tổng chỉ huy quân đội ngày 15-8-1945, với sứ mệnh “khôi phục chủ quyền của Pháp trên lãnh thổ Liên bang Đông Dương”, đô đốc d’Argenlieu - một trong những người trung thành với Tướng de Gaulle - được yêu cầu lấy ông hoàng vào trong những người thân cận của mình nhằm sử dụng khi người Pháp quay trở lại Đông Dương. Từ tháng 4-1945, nổi tiếng với những thắng lợi của sư đoàn thiết giáp số 2 trong chiến dịch Alsace, đại úy Boissieu được bộ trưởng Chiến tranh André Diethelm giao nhiệm vụ giới thiệu ông hoàng với quân đội(2). Thay vì giành được các danh hiệu quân đội ở mặt trận chống Quốc xã Đức và Phát xít Nhật mà ông muốn có trước khi trở về nước, ông hoàng Vĩnh San đã nhiều lần chứng tỏ quyết tâm và hiệu quả của mình trong những nhiệm vụ tế nhị. Kết thúc chiến tranh tháng 9-1945, ông làm tiểu đoàn trưởng trong đội quân chiếm đóng nước Đức, được thưởng huân chương Kháng chiến. Bộ chỉ huy dự tính sau đó sẽ đưa ông về ban tham mưu Sư đoàn 9 bộ binh thuộc địa, lên đường sang Viễn Đông... Trong thời gian đó, ông đã đăng trên báo Combat (Chiến đấu) ngày 16-7, một di chúc chính trị trong đó ông chủ trương Việt Nam phải được độc lập. Nhưng ông không từ chối một liên minh chặt chẽ với nước Pháp, mà ông nghĩ rằng trong thời kỳ chuyển tiếp có thể ủy thác nhiệm vụ quốc phòng và ngoại giao. Nổi lên hàng đầu các nghĩa vụ mà ông phải gánh vác, ông đặt vấn đề thống nhất đất nước đã bị chính quyền thuộc địa Pháp chia thành Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ. Vì Paris vẫn tiếp tục chống đối, ông đã viết những lời tiên đoán như sau:

“Tôi nghĩ trong tương lai trực tiếp Đông Dương phải được đặt trên cơ sở của tình hữu nghị và cộng đồng các lợi ích chứ không phải trên tư tưởng đô hộ. Tôi sợ những kẻ nóng vội lại kêu gọi vai trò trọng tài của Trung Quốc và Hoa Kỳ. Để làm dịu sự sốt ruột đó, tôi nghĩ rằng nước Pháp phải bày tỏ bằng chứng của ý đồ thực sự giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong sự phát triển và cũng là giành được lòng tin và sự gắn bó của người Việt. Bằng chứng đó là sự xóa bỏ hàng rào ngăn cách Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ...”

Và để chứng tỏ tính thực tế chính trị của mình, ông viết thêm: “Tôi tin rằng mình đã làm hết phận sự của người Nam, khi tôi đem lại cho người nông dân ở Lạng Sơn, ở Huế và ở Cà Mau ý nghĩa của tình huynh đệ. Dù tình đoàn kết đó được thực hiện dưới sự chỉ đạo của một chế độ cộng sản, xã hội chủ nghĩa, quân chủ hay bảo hoàng. Điều chủ yếu là cứu nhân dân thoát khỏi tình trạng Balkan hóa”(3). Tên của ông bắt đầu lan truyền trong giới cầm đầu quyền lực ở Pháp, một nhúm sĩ quan và người thuộc phái de Gaulle tự gánh trách nhiệm phổ biến chương trình của ông và chuẩn bị mảnh đất cho cuộc trở về ngai vàng nếu có thể.

Ngày 14-12, ở Paris đã có cuộc gặp gỡ mà ông mong đợi từ lâu: thiếu tá Vĩnh San được de Gaulle tiếp, người mà ông ngưỡng mộ một cách chân tình và trình bày ý tưởng của mình. Tướng de Gaulle, rõ ràng đã bị con người này thu hút, có vẻ như đã chấp nhận trên những nét lớn. Không thừa nhận về hình thức việc thống nhất đất nước, ông để cho ông hoàng thấy ý tưởng rằng điều đó có thể được chấp nhận trong một thời hạn nào đó. Trong Hồi ký chiến tranh của de Gaulle cũng như trong thư cá nhân gửi cho một người con của ông hoàng năm 1969, de Gaulle thừa nhận, đã “đánh giá cao nhân cách mạnh mẽ của ông hoàng và đặt niềm hy vọng quan trọng vào ông ta”. Về phía Vĩnh San, sau cuộc tiếp xúc, ông xác nhận với người bạn Eugène Thébault, chánh văn phòng chính phủ đảo Réunion, rằng cuối cùng chính phủ Pháp cũng quyết định đưa ông trở lại ngai vàng nước Nam và de Gaulle dự định sẽ đích thân đi cùng ông trong những ngày đầu tháng 3-1946, dành thời gian chuẩn bị dư luận và soạn thảo một loạt hiệp định cần phải ký giữa hai chính phủ. Chuyến đi đó phải trịnh trọng xác nhận việc lập lại hiệp ước Pháp - Việt mà cựu hoàng từng mong ước. Đối với ông hoàng, độc lập chưa bao giờ có thể cảm thấy sờ mó được như lúc này, dù ông biết rằng nó chưa được thể hiện cụ thể trong lĩnh vực quân sự và ngoại giao, mà phải chờ một thời hạn do nước Pháp định trước. Ý thức được tình hình đói nghèo và hỗn loạn của đất nước khi ông trở về, ông cũng biết rằng các lực lượng Việt Nam và nhiều cường quốc nước ngoài chống lại sự trở về của ông.

Vài ngày sau cuộc gặp gỡ với de Gaulle, Ông đã tiết lộ với một người thân cận rằng người Anh - mà những ý đồ đến ngày nay vẫn chưa được làm sáng tỏ - đã đề nghị đưa cho ông một khoản tiền lớn để ông từ bỏ kế hoạch trở lại Việt Nam. Mặc dầu có thiện chí và có trí thông minh chính trị, Vĩnh San có vượt lên trên sự thách thức kinh khủng đó không? Trái với những điều de Gaulle phải viết sau này trong Hồi ký, 30 năm lưu đày có xóa nhòa kỷ niệm về ông vua đó trong tâm hồn người Việt không? Trong một báo cáo gửi chính phủ đề ngày 28 tháng 12- 1945, Đô đốc d’Argenlieu đánh giá rằng Vĩnh San tiếp tục có nhiều người hâm mộ trong các “giới chức An Nam”(4). Nhưng ngài cao ủy biết gì về thực tế đất nước này? Quyết tâm và tính năng, động của phong trào cách mạng Việt Nam dưới sự chỉ đạo của “Việt Minh” (một mặt trận chính trị - quân sự do cộng sản cầm đầu, được Hồ Chí Minh và những người phụ tá trung kiên thành lập từ 1941), sự bắt rễ trong quần chúng và ảnh hưởng của nó đến tận những xóm làng xa xăm, chỉ có thể đưa đến một sự hoài nghi sâu sắc về thành công của việc thử nghiệm đó nếu nó được đưa ra ứng dụng, trong khi dân chúng còn chịu hậu quả của nạn đói khủng khiếp mùa đông - xuân 1944-1945, gây nên do mất mùa và vì sự thúc bách của kinh tế chiến tranh do Nhật và Pháp áp đặt. Chỉ huy tối cao quân đội Madagascar, tướng Henry Casseville tự mình đã gửi lên chính phủ lời cảnh báo này ngày 11-7-1945:

“Người Bắc kỳ và Nam kỳ đều biết gia đình hoàng tộc; họ biết rằng Vĩnh San đã bị truất ngôi, thay thế bằng Khải Định rồi Bảo Đại kế tục. Nhưng họ không quan tâm đến vận mệnh hoàng gia, từ lâu, mọi ảnh hưỏrng của triều đình Huế đã mất hẳn ở Nam kỳ và cả ở Bắc kỳ, chỉ còn vài ông quan già là có một vài sự kính trọng đối với gia đình hoàng tộc ở Trung kỳ. [...] Ông hoàng Vĩnh San có lẽ hy vọng có thể đóng một vai trò trong tương lai ở đất nước mình. Quả thật ông ta có thể phát động những vụ tranh chấp, nhưng tôi không tin rằng nó sẽ đem lại lợi thế cho chúng ta. Vai trò của ông ta đã hết khi bị lưu đày. Ở Viễn Đông, người ta không leo lại lên bệ thờ khi đã bị rơi xuống”(5).

Được sự bảo trợ của người chủ Pháp, lại bị cô lập với đất nước mình, phải chăng Vĩnh San không phải chịu số phận như người anh em họ Bảo Đại mấy tháng trước, bị Việt Minh buộc phải thoái vị ngày 25-8 sau khi đã thỏa hiệp với kẻ chiếm đóng Nhật Bản, nay trở thành người công dân bình thường với cương vị hoàn toàn danh nghĩa là cố vấn tối cao của Hồ Chí Minh? Đối với ông Bảo Đại, với tính tình nhu nhược và mong manh, vị vua cuối cùng (1926-1945) của triều Nguyễn (1802-1945), thì cái thời của một vị hoàng đế được tôn kính và sợ hãi của triều đại xưa, được coi như Thiên tử, đồng thời là “cha mẹ dân”, tồn tại do ý Trời và các tín điều của Khổng giáo... đã xa rồi(6). Phải chăng cả cựu hoàng Duy Tân cũng sẽ có một số phận không vẻ vang gì như Bảo Đại: có thể do ở quá xa sự năng động của đất nước nên ông không thể đánh giá được sự bắt rễ và lan tỏa của sức mạnh đó, nên ông đã phác họa phong trào cách mạng Việt Nam dưới hình ảnh của “một cuộc nổỉ loạn mà những kẻ vô trách nhiệm đã dẫn dắt người dân đến chỗ chết, vì biết rõ rằng nếu tình thế không có lợi, họ sẽ tìm được chỗ trú ngụ ở những nước đã mua chuộc họ?”(7) Nói như vậy là đã coi rẻ ý thức trách nhiệm, khả năng tổ chức và thuyết phục của nhóm người lãnh đạo Việt Minh, cũng như ý chí không khoan nhượng của họ. Đúng là năm 1945, những người quốc gia Việt Nam tự xâu xé giành giật chính quyền, và Việt Minh cũng như những nhóm không cộng sản khác, không phải là không áp dụng việc ám sat chính trị. Một hôm ông Vĩnh San đã thổ lộ linh cảm của mình rằng, ông có thể là nạn nhân của một con dao đâm lén, của một viên đạn hay một quả bom như nhiều ông hoàng trước ông, ông coi thời đại trị vì của ông đã hoàn toàn qua hẳn. Có bao câu hỏi không trả lời được, sau vụ mất tích trên con đường đưa trở về đảo Réunion, mà ông muốn gặp lại gia đình và nhìn mặt đứa con thứ năm. Không bao giờ ông được gánh lại vận mệnh hoàng gia ở đất nước nơi ông đã ra đời và lần lượt đóng vai trò giữ mệnh trời, phản kháng nền đô hộ thuộc địa và trở thành kẻ bị lưu đày bất công.

Nếu tin vào một số nhân chứng ít ỏi, thì cái chết đột ngột của ông hoàng đã khiến de Gaulle rất bàng hoàng, đánh mất “ý đồ bí mật” để giải quyết vấn đề Đông Dương, trong bối cảnh chính trị đang mỗi ngày thêm khó khăn. Như sau này tướng Boissieu đã viết trong hồi ký, có phải sự mất tích đó là một trong những nguyên nhân khiến de Gaulle rút khỏi công việc ngày 20 tháng 1-1946?(8) Nó có thể góp phần, một cách khiêm tốn hơn để thuyết phục rằng ông không còn phương tiện thực thi đường lối của mình, ông bị đối mặt trước ngõ cụt [...]

Trong các chuyên gia phê phán mạnh nhất đường lối Đông Dương của de Gaulle, nhiều người cũng thừa nhận rằng mặc dầu có khả năng làm nên điều kỳ diệu và tính thực dụng của mình, người đứng đầu chính phủ lâm thời Pháp lúc đó, cho dù đã xóa bỏ những đánh giá sai lầm của mình lúc đầu, cũng không thể đưa ra một đường lối mạnh bạo mà ông nghĩ có thể áp dụng cho Đông Dương, vượt lên trên các tính toán cá nhân của cánh nhà binh và các chính khách. Tất yếu ông sẽ vấp phải sức ỳ của chính phủ Pháp, quá ngập ngừng với những đổi thay quá đột ngột.

Pierre Journoud

Đào Hùng dịch 

CHÚ THÍCH:

* Pierre Journoud, De Gaulle et le Vietnam (1945-1969), Ed. Tallandier, 2011, 544 trang.

1. Croix de Lorraine, chữ thập có hai ngang, biểu trưng trên cờ quân đội kháng chiến của de Gaulle, đối lập với chữ thập ngoặc của Đức, và cũng để khác với cờ Pháp của chính phủ bù nhìn Pétain ở Vichy (chú thích của ND.).

2. Viện lịch sử Quốc phòng (SHD), hồ sơ cá nhân các sĩ quan, số 8Ye81561, thư của tướng Boissieu gửi bộ trưởng chiến tranh ngày 28 tháng 4-1978; thư từ trao đổi giữa Bộ Thuộc địa với Bộ trưởng Chiến tranh, từ tháng 1 đến tháng 12-1945.

3. Duy Tân, Hoàng đế An Nam 1900- 1945 bị lưu đày ở đảo Réunion hay là số phận bi thảm cùa ông hoàng Vĩnh San, tiểu sử ghi lại của Nguyễn Phước Bảo Vang, Sainte-Marie, Nxb Azalées, 2001, tr. 153-155. “Balkan hóa” là thuật ngữ xuất hiện sau Thế chiến 1, chỉ sự chia cắt lãnh thổ và chính trị vùng Balkan nhằm tránh sự tranh giành giữa các cường quốc.

4. Thiérry d’Argenlieu, Biên niên Đông Dương 1945-1947, Paris, Albin Michel, 1985, tr.112-113, 436-437.

5. Trung tâm lưu trữ Hải ngoại (CAOM). INF, bìa số 122, hồ sơ số 1105, thư của tướng Casseville gửi bộ trưởng Thuộc địa, số 291/CAB, ngày 11-7-1945,

6. Philippe Devillers, Lịch sử Việt Nam 1940-1952, Paxis, Seuil, 1952, tr.20- 21; Le Monde ngày 25-6-1975.

7. Thư của Vĩnh San gửi ông Văn Sa, 17 tháng 11-1945, dẫn trong tiểu sử của Nguyễn Phước Bảo Vang ghi (Sđd, tr~205).

8. Tướng Alain de Boissieu, Để phụng sự Tướng de Gaulle, 1946-1970, tập 2, Paris, Plon, 1982, tr.75-76.


(Đã đăng trên Tạp chí Xưa & Nay số 393 tháng 12-2011).


Dẫn nguồn:
https://vanminhsucsongviet.com/blog
https://vanminhsucsongviet.net/blog