NGUYỄN TRƯỜNG TỘ LÀ MỘT NGƯỜI YÊU NƯỚC, MỘT NHÀ CANH TÂN LỚN CỦA ĐẤT NƯỚC THẾ KỈ XIX, THÔNG QUA CÁC BẢN ĐIỀU TRẦN MÀ ÔNG GỬI CHO TRIỀU ĐÌNH HUẾ. TUY NHIÊN, GIỮA NỘI DUNG CỦA NHỮNG BẢN ĐIỀU TRẦN VÀ HÀNH ĐỘNG THỰC TẾ CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG SONG HÀNH. VIỆC ĐỀ NGHỊ VÀ “GIÚP” TRIỀU ĐÌNH HUẾ MỞ TRƯỜNG DẠY NGHỀ NĂM 1867 - 1868 LÀ MỘT DẪN CHỨNG. Ở ĐÂY CHÚNG TÔI MUỐN NÓI ĐẾN TRÁCH NHIỆM CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ TRONG VIỆC NÀY.

Một trong những nội dung mà các điều trần của Nguyễn Trường Tộ đề cập đến là cổ súy cho lối học thực dụng. Nguyễn Trường Tộ đã dành hẳn một bản Điều trần (Di thảo số 18 -1/9/1866) để nói về vấn đề này. Ông cho rằng: “Ngoài việc khoa cử thường lệ, chưa thấy có ngành nào khác hưởng ứng để đáp lại lòng mong muốn của triều đình. Chính là vì việc bồi dưỡng nhân tài chưa được liệu trước” (1), Do đó, ông đề nghị triều đình làm một số việc như mở các khoa sơn lợi, hải lợi, địa lợi, khuyến khích buôn bán, học tiếng nước ngoài, lập Viện Dục anh... nhằm “bồi dưỡng nhân tài tức con đường rộng lớn để đi đến giàu mạnh” (2).

Để góp phần“giúp đỡ” triều đình Huế thực hiện kiến nghị trên, Nguyễn Trường Tộ tình nguyện đóng vai trò “cầu nối” liên lạc giữa Giám mục Gauthier với triều đình. Trong Di thảo 12, Nguyễn Trường Tộ báo tin Giám mục Gauthier có thể nhận giúp đi Pháp thuê thợ thầy và mua máy móc để mở trường huấn luyện về nghề nghiệp. Chuẩn tâu lời đề nghị của các đại thần Trần Tiễn Thành và Phạm Phú Thứ, vua Tự Đức đã cho mời Giám mục Gauthier cùng Nguyễn Trường Tộ về Huế để sử dụng vào công việc nói trên. Theo đề nghị của Gauthier, triều đình đồng ý cho một số giáo sĩ biết ngoại ngữ sang Pháp học một năm để giúp dạy ứng dụng, như Nguyễn Huấn, Nguyễn Hoằng, Nguyễn Điều, Nguyễn Lâu...

Ngày 10/1/1867, phái đoàn lên đường sang Pháp. Phái đoàn gồm Giám mục Gauthier, Nguyễn Trường Tộ, Linh mục Nguyễn Điều, Phó tế Nguyễn Hoằng và Joannes Vị, cùng hai vị quan của trỉều đình Huế là Nguyễn Tăng Doãn và Trần Hiếu Đạo. Trên đường đi, Gauthier ghé qua Rôma để “báo cáo” công việc của mình với “giáo triều” Rôma, đồng thời xin sự giúp đỡ kinh phí cho chuyến đi. Đáp lại yêu cầu đó, Bộ Truyền giáo Rôma đã hỗ trợ cho Gauthier 20.000 francs (3).

Trong thời gian ở Pháp (từ cuối tháng 3/1867 đến 25/11/1867), Gauthier và Nguyễn Trường Tộ đến Bộ Ngoại giao, Bộ Hàng hải và Thuộc địa để xin tài trợ, tiếp xúc với Hội khai mõ, đi thăm một số cơ sở sản xuất, mua một số dụng cụ và “chọn được hai lịnh mục giỏi về hóa học, vật lý và các môn thiên văn, địa lý”.

Ngày 29/2/1868, Nguyễn Trường Tộ và phái đoàn Giám mục Gauthier về đến Huế, mang theo một số máy móc dụng cụ và bốn "chuyên gia” người Pháp. Ngày 4/3/1868, nghĩa là chỉ 4 ngày sau khi Gauthier về đến Huế, Viện Cơ mật đề nghị Tự Đức khen thưởng cho cả phái đoàn, kể cả bốn “chuyên gia” Pháp (4).

Mọi đề xuất về việc mở trường của Gauthier và Nguyễn Trường Tộ đều được triều đình Huế chấp thuận. Ngày 31/3 củng năm, Gauthier gửi thư cho Hội Truyền giáo Paris: “Tôi hân hạnh báo tin cho các bạn biết là dự án thiết lập một trường học ở Huế, để dạy các khoa học, tiến triển tốt đẹp. Mấy ngày sau khi chúng tôi tới kinh đô vương quốc An Nam, ngày 29/2, nhà vua hỏi về chương trình của chúng tôi cũng như danh sách liệt kê các dụng cụ và máy móc đem về cho trường học. Trước hết, nhà vua thích thú các thứ mà chúng tôi mua ở Pháp cho triều đình; sau đó nhà vua muốn xem tận mắt các thứ mà Bộ Hàng hải tặng. Đồng thời nhà vua cũng quan tâm đến lương bổng của các giáo sư. Lương bổng thì cũng khiêm tốn thôi, nhưng tạm đủ. Sau hết, nhà vua sẵn sàng chấp thuận cho Giám mục Sohier xây trường trên mảnh đất mà giám mục đề nghị, nằm giữa nhà thờ và Tòa giám mục.

Về phần tôi và những người đi theo tôi, chúng tôi chỉ có thể ca ngợi cách xử sự của nhà vua. Nhiều lần nhà vua hỏi thăm về sức khỏe của chúng tôi; nhà vua đã gửi cho chúng tôi các quà tặng và huy chương cao cấp cho các tân giáo sư” (5).

Tuy nhiên, công việc mở trường đang được khẩn trương chuẩn bị thì bị đình trệ giữa chừng. Giữa tháng 3/1868, Nguyễn Trường Tộ được cho về Nghệ An thăm mẹ già để sau đó vào Huế theo Sứ bộ sang Pháp điều đình xin chuộc lại 6 tỉnh Nam kỳ. Ngày 7/4/1868, Gauthier bỏ về Nghệ An. Việc mở trường xem như thất bại. Nguyên nhân do đâu?

Theo đánh giá của người trong cuộc - tác giả chính của dự án này là Nguyễn Trường Tộ, hiệu quả của việc mở trường là lâu dài, không thể ngày một ngày hai là xong. “Còn như các khoản học tập,... chẳng qua mới mở bước đầu, để khiến cho người nước ta sinh lòng ham muốn, cầu tiến dần vào thực dụng, mở dần con đường từ nhỏ đến lớn về sau, làm kế ném gạch ra để được ngọc mà thôi. Nếu buộc phải có hỉệu quả mau chóng như phương Tây, thì chúng tôi quyết không dám làm... Nếu nay học sinh gia tâm học tập, cũng phải mất một số năm mới biết được như chúng tôi ngày nay. Bây giờ nếu giáo sư mở lớp giảng dạy mà không có chúng tôi thay giáo sư giảng lại cho học sinh những chỗ khúc mắc chưa hiểu, thì cũng bề khó tiến” (6). Do đó, khi Nguyễn Trường Tộ được triều đình Huế sai phái đi làm nhiệm vụ khác thì việc mở trường dạy nghề tất yếu sẽ không thực hiện được bởi không có thông ngôn trợ giảng.

Theo Linh mục Trương Bá Cần, việc mở trường không thành là do sự chống đối của các quan lại. Trong các thư từ gửi về Pháp, Gauthier cho rằng việc mở trường không thực hiện được là do sự cản trở của hai vị quan có thế lực trong triều là Nguyễn Tri Phương và Võ Trọng Bình. Trong thư gửi Hội Truyền giáo Paris (31/3/1868), Gauthier viết: “Công việc sẽ tiến triển nhanh hơn nếu không có việc cử sứ bộ đi Pháp và những chậm chạp của xứ này... Trong các quan thượng thư, có hai vị cựu trào tìm cách cản trở quyết tâm của nhà vua”(7). Chúng ta thấy Nguyễn Tri Phương và Võ Trọng Bình là hai trong số bảy vị đại thần của Viện Cơ mật(8) có tên trong bản tấu ngày 4/3/1868. Do đó, không lý gì mà hai đại thần này lại có thể ngăn cản việc mở trường dạy nghề khi trước đó họ đã đề nghị nhà vua ban thưởng cho các thành viên phái đoàn, kể cả bốn người mới được thuê về, mặc dù số này chưa có công trạng gì; Vì vậy, nếu thực sự có việc ngăn cản và đuổi những người mà Gauthier đưa về thì nguyên nhân chính là những người này đã không đáp ứng đủ trình độ để mở trường (sẽ đề cập sau). Hay nói cách khác, chính Gauthier và Nguyễn Trường Tộ đã lừa dối triều đình Huế về chất lượng của các “chuyên gia”.

Ngoài ra, theo Trương Bá Cần, việc mở trường không thành có lẽ không chỉ là sự cản trở của hai vị đại thần mà có cả một luồng dư luận khá rộng rãi, trong triều cũng như ở các tỉnh, đều tỏ ra dè dặt, lo sợ trước ảnh hưởng của các giáo sĩ người Pháp khi một trường đào tạo nhân tài đầu tiên cho đất nước lại hoàn toàn do người Pháp phụ trách, đặt ngay bên cạnh Tòa giám mục, dưới sự giám sát của giám mục(9).

Theo chúng tôi, việc mở trường dạy nghề ở Huế năm 1868 thất bại là do một số nguyên nhân sau:

Hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ không cho phép triều đình Huế rảnh tay thực hiện canh tân đất nước, trong đó có việc mở trường dạy nghề, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực. Triều đình Tự Đức thực sự có ý định nghiêm túc muốn mở trường dạy nghề không? Có thể khẳng định là có. Trong thời gian phái đoàn Gauthier, Nguyễn Trường Tộ đang công cán ở Pháp, Sở Thương bạc đã nhiều lần gửi văn thư chỉ dẫn cụ thể các việc phái đoàn nên làm, các sách và dụng cụ gì cần phải mua và cần phải thuê người như thế nào,... Chiếu hội của Sở Thương bạc ngày 17/3/1867 yêu cầu: “Còn việc mướn người khai hoang, nếu thấy có ai quả thật vì đời hiếu danh, dạy vẽ cho các phương pháp khai mỏ và chế tạo dụng cụ, mà tiền thuê vừa phải, không yêu sách thái quá, thì liệu thuê một vài người thôi, không nên mang nhân công về cho tốn phí nhiều... Nay giám mục và giáo sĩ hãy xét liệu thuê mướn và phải đảm bảo sẽ không có gì trở ngại về sau mới được. Bằng không thì khoản này hãy đình chỉ... Tất cả các máy móc, thứ nào có thực dụng mà cần thiết và giá rẻ như máy điện báo bảy, tám chục quan chẳng hạn, giám mục với giáo sĩ và phái viên xem xét chọn mua một hai cái. Các bộ sách Pháp nên giao giáo sĩ kiểm xem rõ ràng, sách nào thiết dụng mà chưa mua, nên lựa mua ít nhiều”(10). Khi về đến Huế, phái đoàn được Tự Đức tiếp kiến, khen thưởng và chấp thuận mọi đề xuất mở trường,... Như vậy, không thể nói triều đình không quan tâm đến việc mở trường dạy nghề được.

Trong lúc triều đình Huế đang quyết tâm mở trường như vậy, thì sau hòa ước 1862, Pháp ra sức củng cố vùng chiếm đóng 3 tỉnh miền Đông và ráo riết chuẩn bị phương lược cho việc đánh chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây. Khi phái đoàn Gauthier, Nguyễn Trường Tộ đang ở Pháp thì tại Việt Nam, tháng 6/1867, thực dân Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miên Tây. Ngược dòng thời gian, chúng ta thấy rằng: Trong các Di thảo số 4, 5, 21(11), Nguyễn Trường Tộ khuyên triều đình Huế ngăn chặn dã tâm xâm lược của Pháp bằng cách vận động Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ, Nga,... can thiệp, buộc Pháp phải trả lại đất cho ta hoặc gây ly gián trong nội bộ chính giới Pháp để giữ 3 tỉnh miên Tây. Tưởng chừng như khi được triều đình Huế giao phó sứ mệnh đến Pháp, Nguyễn Trường Tộ sẽ thực hiện kế hoạch đó. Tuy nhiên, ta thấy Nguyễn Trường Tộ đã không áp dụng kế hoạch ngoại giao, vận động đại sứ các nước Anh, Tây Ban Nha hay Nga để họ đánh Pháp mà chỉ đi liên lạc với Hội khai thác mỏ. Cũng không thấy ông làm gì để vận động chính giới Pháp mà hậu quả thấy rõ nhất là thực dân Pháp chiếm luôn 3 tỉnh miền Tây. Hoàn cảnh đó buộc triều đình Huế không còn sự lựa chọn nào khác là phải bỏ dở những công việc chưa thực sự cần kíp, trong đó có việc mở trường dạy nghề, để tập trung vào vấn đề cấp bách hơn là giữ những phần đất còn lại.

Tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thất bại của việc mở trường dạy nghề xuất phát chính từ chủ tâm của Gauthier muốn phá hoại công việc này ngay từ đầu, trong đó có phần trách nhiệm của Nguyễn Trường Tộ.

- Trong sự kiện Pháp tấn công Đà Nẵng tháng 9/1858, Gauthier đóng một vai trò nhất định. Trương Bá Cần cho biết: “Các giáo sĩ Pháp tập trung khá đông đảo tại Đà Nẵng, đứng đầu là Giám mục Pellerin, đã cùng nhau làm áp lực để quân Pháp chiếm đánh thẳng Huế cho chóng dứt điểm. Nhưng Bộ chỉ huy quân sự Pháp đánh giá là không thể dễ dàng tiến đánh Huế mà phải chuyển hướng vào Sài Gòn. Do đó, trước lúc đem quân vào Sài Gòn, Đô đốc Rigault De Genouilly đã tìm cách bắt buộc các giáo sĩ Pháp hoặc trở về nhiệm sở hoặc đi tạm lánh ở Hong Kong. Giám mục Gauthier cùng với Nguyễn Trường Tộ và những người tháp tùng đã đi sang Hong Kong trong những điều kiện như thế vào đầu năm 1859”(12).

- Ngày 17/2/1859, Pháp chỉếm được Sài Gòn. Đầu năm 1861, Nguyễn Trường Tộ cùng Gauthier về Sài Gòn, theo yêu cầu của "Đô đốc Charner [người] mới được lệnh gom quân ở Trung Quốc đem về Sài Gòn mở rộng vùng chiếm đóng”.(13) Tại đây, Nguyễn Trường Tộ nhận làm chân từ dịch trong Soái phủ. Lúc này, tại vùng chiếm đóng của Pháp, nhân dân và quan lại Việt Nam dấy lên phong trào bất hợp tác với Pháp, họ bỏ về vùng tự do tổ chức kháng chiến. “Thái độ bất hợp tác chung khắp nơi đó buộc các đô đốc toàn quyền muốn duy trì bộ máy hành chính Pháp tại Nam kỳ, chỉ còn sử dụng được một số tối thiểu những công chức Việt Nam (phiên dịch, thư ký,...) mà thôi. Và duy chỉ có những phần tử kém hạnh kiểm nhất trong dân, tình nguyện đứng ra phục vụ những ông chủ mới. ‘Chúng tôi chỉ có với mình’, đô đốc Rieunier, sau này nói, ‘những giáo dân và bọn du thử du thực’, ‘bọn lang bạt bị trục xuất khỏi làng vì đói rét hoặc vì tội phạm’. Đại tá Bernard viết, ‘xô về đây với cái lưng mềm dễ uốn’, họ tham sống sợ chết, họ hoàn toàn hững hờ với cuộc đấu tranh của dân tộc mình, sẵn sàng phụng sự bất cứ những ông chủ nào... Người ta sẽ tuyển dụng, trong số họ, tất cả nhân viên hành chính cần thiết cho nhà nước, hoặc những người giúp việc gia đình, làm đầy tớ, làm khuân vác, làm người chạy giấy, và cả những tên phiên dịch, hoặc những người ghi chép được đào tạo thô sơ qua các nhà trường của Hội truyền giáo; chính là qua sự tiếp xúc với những kẻ khốn nạn này mà bọn thực dân và công chức, vừa mới đổ bộ lên, làm quen với dân tộc Việt Nam”(14).

Không rõ Nguyễn Trường Tộ thuộc hạng nào trong số những người làm cho Pháp như đã kể trên!

Với Gauthier, ngoài việc xuất hiện trong cuộc tấn công của Pháp vào Đà Nẵng năm 1858, còn là người mang đầy tham vọng, khi ông ta đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp tay cho thực dân Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược Việt Nam. Năm 1861, ông ta đã hỗ trợ tích cực cho Charner mở rộng vung chiếm đóng ở Sài Gòn; năm 1864, Gauthier ủng hộ Hiệp ước Aubaret nhằm chiếm Nam kỳ bằng con đường tôn giáo và thương mại. Thư của Giám mục Lefèbre gửi Linh mục Pernot viết: “Hiệp ước Aubaret bị dìm và đó không phải là một rủi ro. Chỉ có Giám mục Sohier và Giám mục Gauthier là tán đồng, nhưng đứng trên quan điểm chính trị thực sự và trong quyền lợi của Bộ truyền giáo chúng ta, việc trả lại ba tỉnh để lấy tiền thật là một sự vô lý đáng phẫn nộ. Vấn đề bây giờ là lấy luôn ba tỉnh phía Nam khác”(15). Với dã tâm ấy, làm sao Gauthier lại có thể thực tâm muôn giúp triều đình Huế canh tân được. Ở đây, ta cũng cần suy nghĩ, Nguyễn Trường Tộ là học trò của Gauthier và luôn theo sát Gauthier như vậy chả lẽ ông lại không hề hay biết gì về suy nghĩ và hành động của thầy mình? Riêng trong việc mở trường, theo như Nguyễn Trường Tộ đã giới thiệu, Giám mục Gauthier có mối quan hệ rất rộng ở Pháp và nhận lãnh trách nhiệm triều đình Huế giao phó với sự hướng dẫn cặn kẽ của Sở Thương bạc như đã nói trên mà trong gần một năm trên đất Pháp chỉ tìm được một số ít “thầy không ra thầy” thì làm sao có thể mở trường học được. Theo phúc trình ngày 23/2/1868 của chính Gauthier, "tài nghệ” của 4 người Pháp được ông ta đưa về như sau:

“Linh mục Thông (tức Montrouzies), biết phép toán, bản đồ các nước thiên hạ, tin bóng (quang học), điện khí, phân ngũ kim; biết nói có thứ đất đá ấy thì có những giống chi”. Nhưng theo ký sự của Hội Truyền giáo Paris thì linh mục Montrouzies trước khi gia nhập Hội Truyền giáo Paris (1/5/1867), ông này đậu cử nhân văn chương.

“Linh mục Đồng (tức Renauld), biết các thứ phép toán, thiên văn, đo độ số mặt trời mà họa đồ bản, đo thiên xích cho được đi biển, biết phép cầu cao cầu viễn, biết đo đất cho biết nơi nào cao nơi nào thấp, biết bản đồ các nước thiên hạ, biết dùng truyền tin thẳng, biết làm thu lôi trụ”. Nhưng cũng theo ký sự Hội Truyền giáo Paris, thì sau khi học xong chủng viện, linh mục Renauld gia nhập Hội Truyền giáo Paris (14/10/1866) và theo học một khóa đặc biệt về kiến trúc và họa đồ một năm trước lúc lên đường sang Việt Nam.

“Giáo sĩ (tức bác sĩ Hernaiz, không phải là linh mục hay tu sĩ mà chỉ là một nhân sĩ tôn giáo nên gọi là giáo sĩ như Nguyễn Trường Tộ cũng được gọi là giáo sĩ), thì không dạy học trò được vì nặng tai, nhưng cũng giúp linh mục Thông mà phân tích các tính ngũ kim ngũ hành, lại biết làm thuốc”. Nhưng tới Việt Nam chưa được mấy ngày, “giáo sĩ” này do bệnh cũ tái phát đã xin về Pháp trở lại.

Còn Ca sanh (nguyên tên Ca sa nhi) là một người thợ máy, trước đã giúp việc tàu Thuận Thiệp, có lẽ do giám mục gặp ở Sài Gòn đem về giới thiệu với triều đình, nhưng Ca sanh đòi lương quá cao (320 đồng/tháng, tính ra tiền là một ngàn, bảy trăm sáu chục quan) và đòi hỏi nhiều điều kiện, nên không dùng”(16). Như vậy, Gauthier và Nguyễn Trường Tộ đem về bốn “chuyên gia”, trong đó chỉ hai người có bằng cấp nhưng cả hai người không ai có đủ tiêu chuẩn theo như yêu cầu mở trường.

Mặt khác, cũng cần thấy rằng, chủ đích làm cho triều đình Huế không thể mở được trường dạy nghề của thầy trò Gauthier - Nguyễn Trường Tộ không chỉ ở chỗ hai ông đã “tìm người không đáng tìm” mà ngay cả trong trường hợp linh mục Thông và Đồng có chuyên môn thực sự đi nữa, họ cũng không thể làm việc được. Bản tấu của Cơ mật viện, (14/3/1868) cho biết: “Nghe Ngô Gia Hậu [tức Gauthier - TG] nói rằng các linh mục giáo sĩ do y mang về chỉ biết chỉ vẽ phương pháp chế tạo mà thôi, còn công việc thực hiện chế tạo, thì tên Ca Sanh thông thạo hơn”(17). Và khi đưa về Huế, Ca Sanh đòi lương thật cao cùng các điều kiện khiến triều đình không đáp ứng nổi. Như vậy, hai ông thẩy còn lại dù có chuyên môn cũng đã bị vô hiệu hóa ngay từ đầu. Chính Trương Bá Cần cũng thừa nhận: “Việc mở trường, như được chuẩn bị trên đây, thực ra còn rất là khiêm tốn: các giáo sư cũng mới chỉ hai, ba người và cũng không có ai là thực chuyên môn kinh tế, khoa học, kĩ thuật; sách thì chỉ mấy quyển và cũng còn phải dịch ra tiếng Việt Nam, tiếng Hán cho người mình tiếp thu; cơ sở vật chất thì coi như chưa có”(18). Do dó, tất yếu việc mở trường dạy nghề sẽ bị phá sản ngay từ đầu.

Với một chuyến công cán dài hơn 1 năm, tốn bao kinh phí và mang theo bao kỳ vọng của triều đình Huế, Gauthier và Nguyễn Trường Tộ đã mang về một kết quả “khiêm tốn” như thế, khiến công việc mở trường dạy nghề không thể nào tiến hành được. Trách nhiệm này trước hết thuộc về Nguyễn Trường Tộ khi ông “tiến cử” Gauthier - một kẻ luôn mang dã tâm xâm lược đổi với Việt Nam cho triều đình Huế, và khi chiếm được lòng tin của triều đình, đã thực hiện âm mưu phá hoại kế hoạch canh tân của Tự Đức ngay từ trong trứng nước Nói cách khác, việc mở trường dạy nghề, bước đầu cho việc canh tân xứ sở mãi chỉ là ý tưởng của triều đình Tự Đức khi niềm tin đã được gửi nhầm vào “nhà canh tân”, “nhà yêu nước” Nguyễn Trường Tộ.

Hoàng Chí Hiếu

CHÚ THÍCH:

1&2. Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr. 191.

3&4. Trương Bá Cần, Sđd, tr.43, 459-460, 48.

5. Trương Bá Cần, Sđd, tr.48.

6. Trương Bá Cần, Sđd, tr.286.

7. Điều này tiếp tục được Gauthier nhắc lại trong thư gửi Hội Truyền giáo Paris, ngày 30/11/1870: “Triều đình cũng đã nói với một linh mục của tôi là tôi sẽ giúp ích nhiều cho nhà nước, nếu tôi tìm được người giúp khai thác các mỏ than và thiết lập các xưởng máy luyện kim như ở châu Âu. Điều mà tôi đã làm năm 1867, nhưng Võ Trọng Bình, lúc đó ở triều đình, đá cho đuổi những người mà theo yêu cầu của nhà vua tôi đã đem từ Pháp sang” [Trương Bá Cần, Sđd, tr.58].

8. Năm vị khác là: Đoàn Thọ, Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Phong, Phan Huy Vịnh và Phạm Phú Thứ.

9. Trương Bá Cần, Sđd, tr.53.

10. Trương Bá Cần, Sđd, tr.46-47.

11. Di thảo số 4: Kế hoạch duy trì hòa ước mới, tháng 3/1864; Di thảo số 5: Kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh, tháng 7/1864; Di thảo số 21: Kế hoạch vận động ở Pháp để giữ ba tỉnh miền Tây, tháng 10/1866. Xem Trương Ba Cần, Sđd, tr.129-153, 204-206.

12 & 13. Trương Bá Cần, Sđd, tr.22, 23.

14. Nguyễn Xuân Thọ, Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858 - 1897), tác giả tự xuất bản, 1994, tr.101-102.

15. Cao Huy Thuần, Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1857 - 1914), Nguyên Thuận dịch, Nxb Tôn giáo, Ha Nội. 2003, tr. 166.

Ngoài ra, Gauthier còn có mặt trong các sự kiện sau:

- Năm 1872, đại tá Hải quân Senez được phái ra Bắc để bắt liên lạc với các thừa sai và để thu lượm tin tức. “Vừa đổ bộ, tôi (tức Senez) tôi gửi ngay điện thư cấp tốc cho Giám mục Gauthier cách đó lối 10 hay 12 cây số và hẹn gặp ở trong làng”.

- Trong các thư gửi Đô đốc Dupré ngày 12 và 19/2/1873 nhằm cổ súy cho việc đánh chiếm Bắc Kỳ, Gauthier viết về triểu đình Huế: “Theo tôi, những kẻ ấy chỉ nghe tiếng nói của đại bác, còn thì điếc hẳn chẳng chịu nghe gì khác”.

- Năm 1874, khi Garnier được phái ra Bắc để “giải quyết” vụ Dupuis, nhằm mở đường cho việc xâm chiếm Bắc kỳ lần thứ nhất, Gauthier đã lưu ý Garnier hãy đề phòng những lời hứa hẹn thiện chí của triều đình Huế và khuyến khích: “Trong thư mà ngài Đô đốc viết cho tôi, hình như ngài Đô đốc tin rằng triều đình Huế có thể mang lại cho ngài Đô đốc những bảo đảm đầy đủ bằng thiện chí; theo tôi, kinh nghiệm đã dạy cho tôi khẳng định rằng triều đình đó hoàn toàn không có một tí thiện chí nào, và chỉ có sức mạnh mới có thể buộc họ làm tròn bổn phận. Lại nữa, Tự Đức không mạnh như người ta tưởng đâu, bởi vì ông Dupuis, với phương tiện rất yếu ớt, đã có thể khiến ông Vua này phải đóng vai kẻ nài xin nơi ngài đô đốc” [Cao Huy Thuần, Sđd, tr.231, 239, 269].

16 & 17. Trương Bá Cần, Sđd, tr.49, 50.

18. Trương Bá Cần, Sđd, tr,464.

(trích Tạp chí Xưa & Nay, số 393 tháng 12-2011)


Dẫn nguồn:
https://vanminhsucsongviet.com/blog
https://vanminhsucsongviet.net/blog