Trước kia và gần đây, tôi đã được đọc một số bài của một số cây bút trong và ngoài nước viết về anh Bùi Giáng. Trong đó, thể hiện lòng mến mộ tài năng của anh. Có người tội nghiệp anh Giáng điên. Nhưng chung chung ai cũng tự nhận chẳng biết một tí gì về anh.

Qua các bài viết về anh Giáng, khi phân tích thơ của anh đều công nhận hay, sâu sắc, mới lạ, tài tình.

Ai cũng nhắc về tiểu sử của anh và đều thấy rằng anh là người bình thường như những Văn thi sĩ khác. Đại để là đã đỗ tú tài tây, có đi dạy học, viết văn thơ và dịch nhiều sách Anh, Pháp, Đức, Trung hoa v.v... Anh là người thông thạo 6 thứ tiếng. Qua đó không thấy dấu hiệu của người điên. Nhưng khi gặp anh (hay nghe kể lại) thấy anh có những thái độ lạ, họ không hiểu và để có một kết luận gọn theo thiển ý riêng hay ai đó, nói một cách đơn giản là Bùi Giáng điên!

Đọc những bài báo viết về anh Giáng tôi có một thắc mắc là chưa ai định nghĩa điên là gì và như thế nào là điên.

Sở dĩ tôi đặt vấn đề đó là để cùng nhau tìm ra phương cách đánh giá phê bình đúng đắn hơn. Về những tài năng đặc biệt mà tiêu biểu là anh Bùi Giáng, biết đâu sau này hay hiện nay có những người đặc biệt nếu ta phán xét không công bình, điều đó sẽ thiệt thòi cho những tài năng đó một phần thôi nhưng thiệt thòi cho chính những người cầm bút nhiều hơn. Hơn nữa, viết về một nhân vật còn sống, nổi tiếng, gần gũi với mọi người của dân tộc mình mà còn viết trật thì, thử hỏi những người đã khuất, liệu các văn kiện đó có thể tin được bao nhiêu phần trăm ?

Khi cầm bút viết về anh tôi cứ đắn đo mãi vì tôi với anh Giáng thân thiết bên nhau trên hai thập niên, tôi tự thấy mình hiểu về anh phần nào nhưng lại thấy khả năng hạn chế không đủ ngôn ngữ mô tả anh. Giống như người vẽ dở lại muốn vẽ Liz Taylor mà không đủ tài nên vẽ thành một bà già xấu xí. Tuy thế, tôi cũng mạo muội viết để trình bày những gì tôi biết về anh.

Theo tôi, sự thành công lớn lao của anh Giáng là làm cho mọi người nghĩ rằng anh điên. Chính anh cũng hay đùa với tôi: - Hồi này tao điên quá ! tôi không tin đó là lời nói thật mà tôi coi như một lời đùa hóm hỉnh. Có những người tin như một lời tự thú. Và nghĩ rằng anh Giáng điên nên thích nghe anh nói vì chỉ có người điên nên mới nói hết sự thật, nói vào mặt kẻ có súng mà không sợ gì cả. Điều mà những người tỉnh không dám nói chỉ dám nghĩ rồi hậm hực trong lòng. Riêng phần anh, anh được nói thỏa thích, nói tự do chả ai bắt bẻ vì bắt bẻ làm gì một người điên ?!

Ai còn ở lại Sài Gòn sau năm 1975 đều từng một hay hai lần gặp anh tại nhiều nơi như ngã bảy, đường Lê Lợi, Tự Do, Phú Nhuận, Bà Chiểu... thấy anh đưa cả 2 tay ngoéo thành (4 cái chim) bằng tám ngón lên chào mọi người như hình các lãnh tụ (Vĩ Đại): Lê Nin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh chào nhân dân. Anh đưa cả 4 cái chim đó lên chào các hình lãnh tụ Cộng sản ở các ngả Sài gòn. Ai thấy anh làm thế đều cười khoái chí hả hê. Những người có chức, có quyền, có súng đạn lại hiểu rằng anh điên nên mặc kệ. Cuối cùng, ai hiểu làm sao cũng đúng mà cũng sai!

Nếu ai còn ở Sài gòn trong thời gian đó thì phải thấy sự nhạo báng lãnh tụ nộm là cả một sự nguy hiểm cho bản thân. Có khi anh đứng trước đám Công an. Các nơi đầu não của Chế độ Cộng sản, anh đưa tay múa chân kêu tên Các mác, Lê Nin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh để chưởi thằng này thằng nọ. Quá lắm người ta đuổi anh đi chỗ khác. Anh chưởi bằng đủ thứ tiếng Pháp, Đức, Anh, La tinh chả ai nói gì vì họ nghĩ là anh Giáng điên. Charlot chế nhạo phát xít làm cho người ta hiểu có một ý. Còn anh Giáng làm cho mọi người hiểu nhiều ý khác nhau.

Charlot đùa với phát xít trên điện ảnh. Còn anh Giáng đùa với phát xít ngay tại ổ của chúng, đùa cho mọi người thấy, đùa trước mặt phát xít. Ai thấy anh đùa thế cũng lo cho anh.

Những điều anh nói họ đều công nhận là chí lý nhưng lâu lâu anh lại châm vào một câu điên hay một động tác điên. Có người nói anh Giáng điên vì họ không dám làm như anh, có người nói anh Giáng điên vì họ không hiểu anh hay họ không thấy anh giống họ.

Có mấy lần vào năm 1976 - 1978 anh bị bắt đưa vào nhà thương điên Biên hòa và Chợ quán khi các Bác sĩ tâm thần đến chẩn bệnh. Việc bình thường của Bác sĩ là nghe bệnh nhân nói, khi đó anh đã giảng về tâm thần học đông - tây kim cổ. Cuối cùng các bác sĩ đã cấp giấy cho anh ra về vì, dưới con mắt chuyên môn họ không thấy anh Giáng điên mà chỉ thấy một người thầy uyên bác kỳ lạ về tâm thần học. Với họ, anh như một người siêu đẳng về y khoa trị liệu hay lâm sàng thần kinh học.

Điên như là một độc quyền của Bùi Giáng hay nói khác đi, ở Việt nam chỉ một mình anh điên kiểu Bùi Giáng. Người trí thức hay bình dân nhìn đằng xa đều biết đó là Bùi Giáng. Tội nghiệp anh hay thích anh, ghét anh hay sợ anh tuỳ từng người nhưng đồng một điểm là đều thắc mắc ((Người điên này kỳ lạ khó hiểu)).

Tôi gặp một người bạn trẻ ngày xưa đã học ở Đại học Văn khoa Sài gòn đi với anh Giáng đến thăm tôi. Nhà anh ta ở kế rạp hát Long Vân ngả bảy đường Phan Thanh Giản (cũ) nhà Cô tôi cũng ở gần đó. Anh ta kể lại là quá thích kiểu điên Bùi Giáng nên đã theo anh và bắt chước anh điên nhưng bị Công an bắt ngay, đem về thẩm vấn ăn đòn cảnh cáo, khi được thả về thì hết dám điên nữa. Anh ta thèm điên như Bùi Giáng mà không được. Tôi cười im lặng vì biết rằng anh bạn trẻ này không đủ trình độ để điên.

Điên là một kỹ thuật uyên bác phải biết tuỳ cớ ứng biến, còn chỉ biết điên mà không biết ứng xử thì làm sao không ăn đòn được ? !

Điên là một kỹ thật tinh vi, một giải pháp một thái độ triết học, một nhân sinh quan của Bùi Giáng. Mỗi nhà văn - thơ - trí thức còn ở lại Sài gòn sau năm 1975 phải lựa cho mình một thái độ. Theo tôi, có nhiều cách của từng nhà trí thức và của bọn người có chút học vấn, nhưng tôi tạm đơn cử 4 trường hợp sau đây:

1; Bọn có chút học vấn chạy theo Cộng sản kiếm cơm áo, địa vị, quyền lợi như: Trịnh Công Sơn, Vũ Hạnh, Phạm Thế Mỹ...

2; Những nhà trí thức chống đối, bất phục tùng, giữ thái độ khẳng khái uy vũ bất năng khuất, bị bắt và đưa đi bức tử như: Vũ Hoàng Chương, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Côn...

3; Bị bắt rồi thả rồi bắt nhốt và đày ải khổ sai như: Dzoãn Quốc Sĩ, Nguyễn Chí Thiện và các Tu sĩ chân chính...

4, Điên:

Riêng Bùi Giáng anh đã lựa cho mình một thái độ để còn tồn tại với đời, trong cuộc đời vẫn đùa giỡn mà chẳng ai làm gì đó là điên. Anh đã tự do rong chơi, hý lộng, chưởi bới bạo quyền mà chẳng ai hiểu ý anh.

Sau ngày 30-4-1975 các nhà văn - thơ thư lại nòng cốt của chế độ Hà Nội như: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông... Đã nghiên cứu thơ - văn của Bùi Giáng. Họ cũng tìm thấy trong đó một thiên tài, một ngôi sao lạ và họ đã tìm gặp anh hy vọng dùng uy lực... quyền lợi ép buộc anh phục vụ chế độ, nhưng khi gặp anh họ đã tiếc rẻ và kết luận: Thầy Giáng điên rồi uổng quá ! Họ không còn ý ép anh viết nịnh chế độ, không có ý ép anh vào hội Nhà văn để họp hành, dạy bảo nữa. Điều lý thú là anh không phải từ chối vì, ai cũng biết một nhà văn - thơ nổi tiếng như anh mà từ chối viết khen chế độ Cộng sản sẽ bị chụp cho cái mũ phản động hay CIA, cái mũ đó là cả một hậu quả kinh khủng. Hơn nữa tác phẩm của anh khỏi bị cái nạn đem ra phân tích chưởi bới bêu xấu, xuyên tạc buộc tội. Trong khi đó anh Giáng vẫn làm thơ, vẫn viết văn, vẫn bình văn - thơ, chưởi bới chế độ nhưng (làm gì nhau).

Viết đến đây, tôi chợt nhớ lại có lần anh Giáng nói với tôi: - Bọn thằng Cận, thằng Diệu... gặp tao dọa và bảo tao phải viết khen chế độ Cộng sản (gặp tao gần đây nó không có gan bảo tao viết nịnh). Mà khen nịnh chế độ bạo tàn, lỗ lược làm sao được. Mày thấy không, Tần Thuỷ Hoàng mang tiếng đốt sách, chôn học trò mà văn học sử ngàn năm còn chê trách. Qua sử sách, dật sự ta chỉ nghe Thuỷ Hoàng Đế chôn những người chống đối gây bạo loạn thật sự nguy hiểm (con số chỉ trên dưới 100) và chỉ đốt sách của họ (thật ra là các tài liệu tuyên truyền đã phát tán, kêu gọi lật đổ tân Đế chế Tần, thế thôi). Chứ không thấy sử sách kể cả dật sự, nói đến việc Tần Thuỷ Hoàng triệt để phần thư (cướp đốt sách vỡ) đạo sản, hãm hại thầy thuốc hoặc cho quan quân ngang nhiên đánh tư sản để cướp của, cướp nhà cửa, cướp ruộng đất, chôn sống người hàng loạt.

Nay, một chủ nghĩa, một bạo quyền còn dã man xúc phạm tín ngưỡng, tàn phá miếu đường của Tổ Tiên, cướp bóc tài sản, của cải của lương dân, cướp đốt sách vở, chôn sống người hàng loạt, tàn hại nhân - vật. Xấu xa đáng phỉ nhổ gấp ngàn - vạn lần Đế chế Tần xưa làm cho quỉ thần giận, người hờn căm, trời không dung đất không tha thì, biết viết nịnh hoặt khen chê như thế nào đây ??!! . Và văn ngôn nhân loại nguyền rủa đến bao giờ.

Một trong những khía cạnh đặc sắc của anh Giáng là thích đùa giỡn, đùa giỡn với người đi đường, đùa giỡn với thầy tu giả và thật (cho vui), đùa giỡn với cuộc đời và đùa giỡn với chính anh. Anh đùa giỡn như một triết lý, một nhân sinh quan, đùa giỡn trong mọi ứng xử với cuộc đời. Anh đùa giỡn với những gì mà xã hội coi là nghiêm trang to lớn (vĩ đại) nhưng thực chất chỉ là ma mị giả dối lừa bịp. Anh đã lột trần những giả tạo độc ác lừa đảo được che đậy trong sự đạo mạo nhưng điêu ngoa. Anh như một nhà tiên tri đã nói những lời sấm ẩn hiện chỉ thẳng vào mặt quân thù khi chúng còn mang hia, vểnh râu đội mão, múa trống, khua chiêng, khi chúng còn đương thời thịnh thế, tác oai tác quái. Anh đã nhìn vạn sự bằng con mắt thực tướng anh đã đi vào vô ngã vô sở cầu - phi hình tướng phá chấp.

Tâm anh an nhiên thanh thản nên thơ anh lúc nào cũng trào dâng những vần điệu tuyệt cú. Ở Việt Nam năm 1991 các báo đã tổng kết các gimue và anh được mệnh danh là thi sĩ làm thơ nhanh nhất vì anh là người sống với thơ, sống trong thơ và sống như thơ.

Ai đã từng cầm bút viết văn làm thơ mà không từng mơ ước sống cho thơ và với thơ nhưng những ước muốn đó bị tan vào cơm áo, xe cộ, nợ nhà nợ đủ thứ thành ra khi muốn làm thơ mà làm cả buổi chưa xong một bài hay chưa chuẩn, chưa chỉnh, chưa đủ nhạc điệu tình và tứ, nhưng riêng anh Giáng lúc nào cũng nhập vào thơ, sống trong thế giới diễm lệ tuyệt vời của thi ca nên, anh làm nhanh, hay, lạ, đẹp. Đó là điều khó hiểu nhưng cũng là điều bình thường. Còn chúng ta ôm cát bụi trong hai tay, lấy tay nào cho Nàng Thơ ? Và ôm đầy lợi danh phù phiếm trong đầu rồi nhìn anh chả hiểu gì nhưng lại muốn có một câu kết luận về anh với sự dễ dãi thường tình là kết luận anh điên. Thế là xong.

Anh Giáng rất thích đến thăm tôi, khi thấy anh đến tôi vội lấy áo mặc tử tế vì tôi làm việc nóng nực nên phải cởi trần. Thấy thế anh cản lại, anh rất thân mật, nghiêm trang, niềm nở. Anh bảo tôi lấy giấy, anh viết liền 10 bài thơ mới làm tặng tôi. Tuy nhiên, anh lại không quên ký tên là Bùi Giáng, Bùi Giáng Bùi hay Bùi bán dùi. Tôi rủ anh ra quán cóc gần đó uống Café, anh rất thích Café đen. Uống ực một cái nửa ly. Mỗi người có một cách uống miễn là mình thấy thích chứ không phải uống như thế là điên.

Anh rất tỉnh táo bình thường, suốt thời gian trên hai thập niên tôi chưa hề thấy anh điên. Kể cả khi anh đang đứng chỉ đường múa may mà thấy tôi anh cười và ngừng ai cũng ngạc nhiên. Với tôi, sự múa may của anh như một nhạc trưởng điều khiển ban nhạc, hay diễn một vài miếng võ tinh vi. Cũng có thể cười và cũng có thể thán phục vì anh đứng giữa dòng xe như thác lũ, cái thế anh đứng thật gọn để khỏi bị xe quẹt anh. Có khi đang uống Café anh đứng lên nói nhỏ với tôi: Để tao chỉ đường một chút. Tôi biết anh đùa. Tôi chờ anh đi xong một vài vũ khúc và trở về ngồi vào chỗ cũ uống Café cười móm mém hóm hỉnh, khi ngồi bên anh tôi luôn được nghe các ý kiến mới của anh phát biểu về văn thơ, tôi rất ngạc nhiên vì đó là những khám phá mới lạ. Tôi có ghi băng đầy đủ, khi có dịp tôi sẽ phổ biến cho mọi người cùng thưởng thức. Chứng tỏ lúc nào anh cũng thao thức tìm tòi những cái mới trong văn chương nhưng tại điều kiện chưa cho phép để anh cho ra mắt với đời. Anh vẫn thường bàn với tôi về văn hóa, tư tưởng của Việt Nam và thế giới. Tôi tự thẹn mình chưa hiểu nhiều về ngọn Thái Sơn văn học này. Không biết thật sự anh có ghi chép hết lại những khám phá của anh không. Nếu không, thiệt thòi cho chúng ta biết mấy.

Tôi còn nhớ một buổi chiều khoảng 6 giờ một ngày tháng 5 năm 1992, tôi chở anh trên xe Honda tới quán Văn nghệ ở quận 3, ngồi uống Café nghe nhạc tiền chiến. Vừa vào gặp họa sĩ Trịnh Cung. Thấy anh Giáng và tôi, Trịnh Cung mời ngồi. Trong câu chuyện bình thơ anh Giáng đã cao giọng phê bình thơ tiền chiến. Anh đã nói với chúng tôi bài thơ Nguyệt cầm của Xuân Diệu là đặc sắc nhất mà ít người thấy được cái hay trong bài đó. Hay hơn thơ Huy Cận. Kế đó anh hỏi Trịnh Cung có nhớ bài đó không, Trịnh Cung đọc vài câu rồi ngừng, vì không nhớ hết. Anh Giáng đọc luôn một mạch và giảng cho chúng tôi biết rõ hay ở chỗ nào. Nghe anh giảng chúng tôi sững sờ sung sướng, lúc nào chúng tôi cũng thấy anh là một vị thầy uyên thâm. Không có anh, chúng tôi tự hào là nghiên cứu và hiểu nhiều về văn thơ nhưng khi nghe anh giảng mới thấy sự hiểu biết của mình chỉ mới sơ sài thôi.

Có khi 2, 3 tuần lễ không gặp anh, tôi nghĩ chắc anh đi lang thang. Nhưng gặp lại anh nói là ngồi nhà luyện (chưởng). Viết văn thơ và đọc sách, nay hạ sơn la hét đùa giỡn chơi với cuộc đời với bạn bè như một sự cân bằng cho tâm sinh lý của anh .

Tôi còn nhớ có khi anh nói cho tôi biết hiện anh đã luyện được một âm dương chiêu đặc sắc trong cổ thư phương đông, suốt 24 giờ trong ngày anh chỉ cần ngả lưng 1 giờ còn 23 giờ là tỉnh thức, khoẻ mạnh minh mẫn. Có người không biết, ngạc nhiên sao họ thấy anh Giáng đi rong suốt ngày đêm, la hét nói cười và tội nghiệp cho anh Giáng điên.

Anh đã dặn tôi đừng ăn nhiều giá sống và kiêng bớt nước dừa vì nó mang nhiều âm tính hại cho khí công và hại lực hại thần.

Là một người biết thuốc tây có thừa kế gia truyền về Nho - Y - Lý... tôi hoàn toàn tán thành lời dặn này vì anh thông suốt về âm dương học. Anh đang đi vào sự hoà nhập với vũ trụ vạn vật đồng nhất thể bằng chính con người anh. Anh đang trắc nghiệm phát hiện và luyện sự đặc biệt của thần khí trong con người mà bấy lâu nay ta chỉ nghe qua người ta nói và chỉ đọc thoáng qua trong sách xưa.

Có người viết anh Giáng điên và la hét trong đêm. Theo tôi, anh đi trong đêm tối Việt Nam mà không gây tiếng động như la hét, nói, dễ bị dân phòng, công an tóm và ăn đòn nhừ tử. Chỉ có ai điên mới im lặng trong Đêm đen Cộng sản Việt Nam.

Anh Giáng vẫn một lòng thiết tha yêu quê hương, thường lui tới các danh sĩ đương thời. Có lần năm 1985 tôi về Nha Trang ghé thăm thi hào Quách Tấn. Qua câu chuyện văn chương thế sự cụ Quách đã nói: Bùi Giáng mới ghé thăm tôi. Tôi ngạc nhiên và cảm động thì ra Bùi Giáng hay quá ((người điên đâu có tinh tế như thế)).

Bùi Giáng đã giao cho tôi rất nhiều cảo bản của anh (trên năm trăm bản viết tay) trong đó có thơ, có văn, có phê bình văn học, triết học, có hội họa và đặc biệt hơn là những bản dịch ngoại văn về nghệ thuật điêu khắc xây dựng và âm nhạc... Cũng như những tiên đoán của anh về về chủ nghĩa Cộng sản mà cho đến nay tôi thấy đúng vô cùng.

Khi giao những cảo bản này cho tôi anh chỉ nói gọn: - Đây những gì tao đã viết và dịch chưa ai coi, chưa xuất bản, đăng tải. Tinh huyết một đời tao giao lại cho mày, khi thấy cần cứ tùy nghi sử dụng.

Tôi hỏi anh làm sao gìn giữ công trình trước - dịch đồ sộ như thế này được vẹn toàn qua nhiều thập niên dâu biển. Anh không trả lời mà chỉ ngửa mặt lên trời cười sảng khoái.

Tôi hết sức cảm động nguyện biển rộng, trời cao mà tạ lòng tri kỷ.

Xem xong các cảo bản của anh Giáng gởi gắm cho tôi, tôi mới phát hiện ra anh đích thực có một văn tài với một trái tim luôn thiết tha trước sự tồn vong của nòi giống mà, bất cứ bạo quyền nào cũng xem anh là đáng sợ. Nên ra sức mua chuộc anh và ra lệnh cho bọn tay sai bồi bút dùng bất cứ phương tiện, thủ đoạn nào nhằm bóp méo lộng giả thành chơn, làm lệch đi thiên tài chân chính của anh.

Có những đêm chúng tôi thức suốt đêm bên nhau, anh Giáng không chịu ở trong nhà, tôi kéo dây bắc ngọn đèn tròn ra sân. Chúng tôi làm thơ, tôi đưa ra một ý, anh viết luôn một bài thơ. Chúng tôi cũng bàn luận về giáo dục và đây cũng là lĩnh vực mà, trong đời anh rất quan tâm.

Anh Giáng còn có biệt tài âm nhạc, khảy đàn hò Quảng, bài chòi, hát bội rất hay mà ít ai được biết.

Có lần một ngày trọng xuân năm 1979 không hiểu vì sao anh đã hát bội, hò Quảng khảy đàn suốt hơn 2 giờ liền cho tôi và anh Nguyễn Trung Trinh (hiện giờ ở Pháp ) nghe bằng tiếng hát điêu luyện xuất thần. Khi anh Giáng ngừng đàn hát thì anh Trinh bật khóc rưng rức như đứa trẻ. Còn tôi ngơ ngác không hiểu ra làm sao cả. Và đây cũng là lần đầu tiên tôi được ngưỡng mộ thiên tài âm nhạc này.

Có điều lạ lùng là hàng năm khi hoa mận nở rộ trước sân nhà tôi, anh Giáng đến chơi thường xuyên hơn. Mỗi lần đến, anh bảo tôi để chiếc ghế bành dưới cội cây và anh nằm ngủ với đàn, sáo (của tôi) một bên, những khi trở giấc anh hát và đàn (một điều lạ nữa là anh thường hát trước và đàn sau). Anh đàn hát hay không kém gì Ca - Nhạc sĩ chuyên nghiệp. Và những lúc này anh chỉ ngâm thơ như nâng cánh cho tiếng đàn, giọng hát bay vút tầng không và gợi đến tận cùng chân - thiện - mỹ - xúc cảm của con người.

Anh thích hát tuồng Tái Sanh Duyên, San Hậu hoặc Ngũ Hổ Bình Tây. Thường thì anh kiêm luôn đào kép nhưng khi cao hứng, anh bảo tôi đóng vai Mạnh Lệ Quân hoặc Hoàng Phủ Thiếu Hoa, Thoại Ba công chúa hay anh đóng vai Khương Linh Tá còn tôi vai Đổng Kim Lân... Cùng nhau xuất thần nhập tích.

Sau khi uống xong một ngụm trà nóng tiếp theo là một ngụm Café đen (anh uống trà trước Café sau) rồi anh lại cất giọng hát bội. Anh Giáng quá sành sỏi nghệ thuật hát bội, lúc này anh đàn và đánh chầu bằng miệng. Hát với lớp lang, điệu - bộ cưỡi ngựa, múa thương, giọng Lý mọi - Nam ai - Nam lỵ... nhuần nhuyễn không ngờ.

Anh Giáng hát bằng chất giọng Quảng Nam pha lẫn Bình Định - Phú Yên nhẹ nhàng như sương rơi, khói tỏa. Tuôn chảy như trường giang, hạc réo, nước cuốn mây trôi, như bóng thời gian run rẩy xuất thần truyền cảm đến mê hồn. Tiếng anh hát hào khí Trung - Hiếu - Tiết Nghĩa tràn dâng như sóng hồng thác bạc, như oan khiên thiên cổ trầm thống ai thán, u uẩn não nùng ẩn hiện theo tơ trúc nhân tình thế thái như hí trường lịch sử ngàn năm vọng về trong nắng sớm mưa chiều.

Nhân đây tôi có ý rằng từ nay khi viết về Bùi Giáng, ta chỉ nên đề cập đến thơ của Giáng, ai khen chê gì cũng được vì Giáng tồn tại trên căn bản Lục không. Ai thích thì đọc, thì ngâm nga để tận hưởng cái diễm lệ say mộng trong tiết tấu thần kỳ của thi ca để nhìn thấy được từng đường nét điêu khắc chân phương mà tuyệt vời của Thánh tượng đàn bà. Một công trình tuyệt mỹ mà tạo hóa đã dựng nên và nhiệm ban cho loài người làm Mẫu thân để từ đây mới có cửa ngõ đưa ta đi vào cõi mênh mông khát vọng của con người. Chỉ duy Bùi Giáng mới tái dựng được hoàn chỉnh qua thi ca. Và cũng từ đó, Bùi nâng chúng ta đi trên những con đường tình tự nhân gian tràn đầy những bức tranh hoa gấm, tỏa rạng hào quang muôn sắc màu chữ nghĩa, ngân tràn muôn tiếng vọng của cỏ nội hoa ngàn, suối reo chim hót, hít thở hương vô ưu của tơ trời có vị mặn trầm luân và hoà nhập với từng nhịp thở của đất trời để đến chiêm ngưỡng Lâu đài Thượng thừa bất diệt của thi ca...

Bùi Giáng chính là nhà thơ trùng sinh thị mộng với Nguyễn Du; siêu thực nhưng rất thế tục của Baudelaire là con thuyền hai đáy cưỡi phong ba ru mình vào chỗ tuyệt vời của tâm thức như Nietzsche và Giáng luôn có cái dong ruổi, hý lộng ngọt ngào thần thánh trong đạo xuất thế của Lý Bạch...

Thượng Đế của Giáng là vóc dáng đàn bà thơm hương Trinh tửu chứ không phải là tư tưởng và nhân cách theo quan niệm thế nhân. Chính triết lý bất tử của Giáng ở chỗ này nó theo đuổi suốt đời anh. Nếu không thấy rõ chỗ này mà viết về Bùi Giáng là xúc phạm đến cái liêm sỉ của ngòi bút và không khéo biến Giáng thành diễn viên tồi và chúng ta là những khán giả tồi trên hí trường thế thái.

Cái mơ ước, cái khát khao Văn dĩ tải đạo của Giáng. Cái đơn giản thể hiện qua cách sống: cách ăn mặc, cách nói năng, cách viết, cách ứng xử, cách thể tất trước những đen bạc nhân tình của anh bị hiểu sai hoặc cố tình hiểu lầm do một số kẻ ký sinh đạo văn chích tự. Thương mại hoá chữ nghĩa biến những tác phẩm của anh thành mớ lộn xộn đầy rẫy nghiệp chướng để kiếm chác và nhúng chữ nghĩa của anh vào cặn bã tục luỵ rồi khoác vào người làm son phấn lợi danh. Để lại di họa tan tành sạch không cho chính Giáng và tổn thương cho Văn Hiến Lạc Hồng.

Tôi đặt những vấn đề triết học, qua đó mới thấy anh đang suy nghiệm những tinh tuý sống động của những tư tưởng nền tảng Phương Đông. Những tư tưởng uyên áo ẩn tàng trong kinh Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Đại thừa, Tối thượng thừa ẩn dụ trong các dòng thơ những lời nói, cử chỉ của anh. Suốt đêm thảo luận mới thấy anh đi quá xa tới nỗi có thể nói chả mấy ai hiểu anh.

Vậy muốn hiểu anh phải đọc kỹ những gì hay nhất của Phương Đông, phải hiểu và biết cách nắm chìa khóa Duy Thức mở cửa Thiền Định hòa vào trạng thái Thiên đàng - Niết bàn đồng nhất thể. Khi đi vào và nhập vào dòng cuồng lưu đó sẽ hiểu từng chữ từng câu anh viết và nói. Và không còn gì bí hiểm kỳ cục nữa !

Những tư tưởng phương Tây chỉ là những tháo gỡ thắc mắc thỏa mãn sự tìm tòi. Còn Triết học Phương Đông đi vào thể nghiệm chứng ngộ. Nhưng nay đã gần như thất truyền. Anh Giáng là một trong những người hiếm hoi đã khơi lại mạch nguồn tinh hoa đó, thể nghiệm bằng chính bản thân anh. Anh sống cuộc đời triết gia, triết trong đời sống, lời nói, trong từng câu thơ: Anh đã đi quá xa trong tâm thức, nhưng con người anh còn ở cạnh thế nhân nên anh bị xa lạ lạc loài giữa cuộc đời. Tôi nhớ Van Gogh nhà danh họa của thế kỷ 19. Ông cũng đi quá xa trong hội họa đương thời nên bị cuộc đời ruồng bỏ. Hai thiên tài cùng bị cuộc đời ruồng rẫy nhưng cả hai đều tha thiết yêu đời.

Anh Giáng ơi ! Rồi mai đây Hư không: Vang. Trời - Đất: Động. Ngôn ngữ: Rụng cũng mấy mùa. Hoa Không Nữ Trinh dìu anh tạm lánh những chốn rong chơi ở cõi phong trần này, thân anh tan theo trời đất - anh hoa vẫn còn với núi sông. Thì anh chọn nẻo về nào trong tâm thức mà đôi cánh thi ca gởi đến tri âm khắp bốn phương trời.

Thân thế - Tài hoa - Cuộc đời - Hành trạng của anh là cả một vũ trụ tâm thức bí ẩn nhiệm mầu, muôn hồng nghìn tía lồng lộng thiên chương, như tiếng nhặt khoan vó câu hồng tuấn xôn xao chớp biển mưa nguồn. Vượt qua biên thuỳ nhân tính trăng vàng châu thổ soi đường, xuôi về suối nguồn cố quận ngược lối tịch liêu qua bình nguyên giăng giăng sương khói hẹn hò.

Trong những đêm thức trắng với anh tôi đã hỏi có phải anh đang đi tìm bóng dáng đôi chân thánh Phê Rô dưới tường thành La Mã và tiếng... ((kích trúc)) của Hương nghiêm thiền sư. Anh Giáng ngạc nhiên sao tôi biết rõ và gật đầu, từ đó anh coi tôi là tri kỷ.

Nay may mắn tôi không phải xa anh nửa vòng trái đất như các cố nhân. Giữa lòng đất Mẹ, tôi thầm cầu nguyện và chờ mong một giây phút kỳ diệu nào đó của cuộc đời, của Dân tộc Việt Nam, anh nghe một tiếng rạn vỡ trong yên lặng vang dội tám cõi hư không và khi đó tôi sẽ cùng anh hát khúc vô ngôn bên bờ sinh tử.

Sài gòn, ngày: 23-07-1993     

Ưng Viên NGUYỄN PHÚC HẢO

(Bài này đã đăng trên một nhật báo Hải ngoại năm 1993).

Dẫn nguồn:
https://vanminhsucsongviet.com/blog
https://vanminhsucsongviet.net/blog