MỸ KHÊ

Tinh anh trời đất ba miền

Phú Xuân        

Thái Dương Dung Y.

Gửi Nguyễn Bá Thanh !

Nói đến Quảng Nam - Đà Nẵng là phải nhắc đến vùng đất biển Non Nước, Mỹ Khê, Sơn Trà <xưa là Sơn Chà> và mắm Nam Ô. Nhưng hiện nay đứng trước thực trạng là đa số du khách đến đây kể cả người ngoại quốc, dù chỉ đến một lần, đều có chung cảm giác: NÓ làm sao ấy !

Thực thế, là người đã lớn lên ở xứ này từ thời niên thiếu, được nuôi dưỡng bởi khí trời, hương biển, phong vị trân cam của sinh thái non nước Quảng - Đà. Nhưng tôi cũng không muốn khơi lại những hoài niệm quá khứ trước nỗi đau truyền thống phôi pha và sinh thái thiên nhiên mờ nhạt từng ngày.

Tôi lại càng không muốn khơi lại những dấu ấn lịch sử nguồn cội, làm nên niềm tự hào của người dân phên dậu đã thuần hoá cõi Ô châu ác địa thửơ nào...

Trong bài này tôi chỉ nói lên mấy điều thực tiễn sinh thái môi trường, vài phẩm vật ẩm thực đặc sắc đã nuôi sống, un đúc con người Quảng Nam - Đà Nẵng thăng hoa khắp bốn phương trời.

Suốt giải sơn hà cẩm tú trải dài từ Ải Nam quan đến Mũi Cà Mau, Bắc - Trung - Nam ba miền khí hậu, phong thổ khác nhau. Nhưng có hai địa phương thời tiết đặc biệt giống nhau trong một đêm trải bốn mùa, tạo nên không gian sinh thái thống nhất rất đặc thù mà ít ai để ý. Đó là Mỹ Khê thuộc Quảng Nam - Đà Nẵng và đất Gia Định - Sài Gòn.

Cho đến bây giờ mặc dù địa mạo gần như hoàn toàn thay đổi, cảnh quang nhân tạo làm mờ nhạt cả sinh cảnh tự nhiên. Thế thừa trừ nhân tạo dù có rối loạn nhưng may thay sự cân bằng trong thiên nhiên vẫn còn khá tốt ở những nơi này .

Miền Bắc nước ta hầu như có cả bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông còn ở miền Trung và miền Nam chỉ hai mùa mưa nắng. Nhưng riêng khí hậu, sông núi, cỏ cây Mỹ Khê và Gia Định hằng đêm trải cả bốn mùa :

Từ 7 giờ đến 9 giờ tối ta có cảm giác sống trong tiết hạ.

Từ 9 giờ đến 11 giờ đêm thời khí mùa thu.

Từ 11 giờ đêm đến 2 giờ sáng như mùa đông đến.

Từ 2 giờ sáng cho đến 5 giờ sáng như có tuần hoàn khí vị mùa xuân.

Những cảm nhận này đã có được và lưu truyền lại từ thời Chúa Nguyễn Phúc Anh còn ở đất Gia Định và Vua Gia Long lên ngôi sau khi thống nhất sơn hà, trong những lần tuần du Quảng Nam, Ngài đặt tên núi Ngũ Hành Sơn và đặt tên cho một số địa danh, cỏ cây hoa trái... Đều xuất phát từ cảm nhận mối giao hòa tồn tại, phát triển giữa con người với thiên nhiên như đã nói trên.

Chính quyền tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nên đề xuất với Chính phủ ban hành: sắc lệnh bảo vệ môi trường sinh thái trong cư dân, nhất là ở nông thôn với đầy đủ quyền lực chính sách khả thi để giữ gìn thiên nhiên, đây chính là cách gìn giữ sự sống con người thiết thực nhất bởi sinh thái tự nhiên tác động trực tiếp và chi phối sự sống con người. Thí dụ như ngũ cốc, rau đậu, hoa quả v.v... ở hai vùng sinh thái sẽ khác nhau về sự trưởng thành đơm hoa kết trái, tất cũng khác nhau về yếu tố sinh hoá, khẩu vị cảm quan khi dùng để xây dựng cách ăn uống, trị, bệnh, tăng cường sức khoẻ cho nhân vật...

Thiên nhiên phải mất hàng ngàn thậm chí hàng trăm triệu năm để hoàn thiện, ổn định, phát triển môi trường sinh thái - vật thực, nuôi dưỡng vạn vật trong đó có con người. Trong nhân tình tri âm, tri kỷ có biên ranh nhưng môi trường sinh thái thiên nhiên lại là khối tri kỷ tri âm tiền định, với những cung bậc giai âm tạo hoá bất tận, nuôi dưỡng sự sống thể chất lương tri lương năng con người.

Nay, cảm thấy bồi hồi ngẩn ngơ trước sự vô ơn của nhân tình đốì với khối tri kỷ tri âm đó. Tôi mượn mấy vần thơ huyết lệ của Ức Trai Nguyễn Trãi gởi đến tri âm:

Chung Kỳ đã khuất, tiếng đàn ơi!
Dẫu sẵn vàng, khôn đúc lại người
Đêm vắng, trời trong như nước lạnh
Chỉ gào ! một tiếng hạc ! ngàn khơi...

Là con người có lương tri, lương năng, thì tất phải có ý thức và phải hết sức Trân trọng Môi Trường Sinh Thái. Nhất là phải biết giữ gìn núi rừng biển cả, sông nước, ruộng đồng, cỏ cây, sinh vật, cảnh quang thiên nhiên nông thôn đó là giữ gìn Mạch Nguồn Kinh Tế Đất Nước là giữ gìn Linh Hồn Sự Sống Con Người cũng như sự tồn vong, phát triển ... Là Hình Ảnh Văn Minh Của Một Quốc Gia Dân Tộc - - - Kẻo muộn màng !...

Gia Định, ngày 11-08-2006

Nguyễn Phúc Ưng Viên.


Dẫn nguồn:
https://vanminhsucsongviet.com/blog
https://vanminhsucsongviet.net/blog