ÁO DÀI VIỆT NAM

DI SẢN VĂN HIẾN QUỐC TÚY TRUYỀN THỐNG TỰ HÀO DÂN TỘC

□ NGUYỄN PHÚC ƯNG VIÊN


        

    Người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu đều tự hào với chiếc áo dài truyền thống. Tự hào vì có thể nói: trên thế giới không một dân tộc nào có được chiếc áo dài đẹp nhẹ nhàng, uyển chuyển, lãng mạn mà kín đáo... Tiêu biểu cho quốc túy ở cả hai yếu tố vật thể và phi vật thể bằng các đường nét chế tác đơn giản nhưng bay bổng mà con người dẫu mang màu da chủng tộc ngôn ngữ nào, không chung nền văn hóa, khi chiêm ngưỡng cũng phải ngẩn ngơ. Trong phạm vi bài viết này vì khuôn khổ báo có hạn, người viết không đi sâu vào chi tiết nguồn gốc, xuất sứ những truyền thuyết, dật sự, pha trộn và tỷ sánh tượng trưng của nó (trong các bài tới sẽ bàn). Cũng không đề cập đến những cuộc trình diễn tôn vinh Áo Dài Việt Nam trong các lễ hội văn hóa của Pháp, Nhật và một số nước khác.

    Trong bài này người viết chỉ nêu bật một số điểm mang tính lịch sử, trong suốt quá trình tồn tại. Gắn liền với những thời kỳ mở cõi cũng như chiến đấu chống ngoại xâm... để chiếc áo dài Nam - Nữ truyền thống trở thành di sản Văn Hiến Dân Tộc và Niềm Tự Hào Bất Diệt của nòi giống Lạc Hồng.

Theo nguồn sử liệu của Nguyễn Phúc Tộc thì chiếc Áo Dài Việt ra đời năm 1573, trong một giấc mơ của Nguyễn Hoàng sau khi ông dẹp yên Dư Đảng nhà Mạc ở vùng Thuận Hóa.

    Đến năm 1758, Triều Chúa Vũ Nguyễn Phúc Khoát nhân mừng sự kiện Vua Chân Lạp Nặc Ông Tôn dâng đến đền ơn, Chúa Vũ ban lệnh quy chuẩn y phục cho quan lại và dân chúng. Từ đó Áo Dài Việt hai thân với mẫu mã hoàn thiện được lưu truyền cho đến hai Triều Vua Thành Thái và Bảo Đại. Để trình bày thế nào là Văn Hiến Quốc Túy, Di sản Vật Thể và Phi Vật Thể của Áo Dài Việt Nam. Trước hết tôi lược qua một số sự kiện nổi bật về truyền thống tự hào dân tộc:

1. Sự kiện Bà Hoàng Phi Chí Lạc Hồ Thị Mừng tổ chức đội Nữ binh Áo dài chống Pháp dưới Triều Vua Thành Thái.

2. Sự kiện ông Nguyễn Phúc Quang (được người đời tôn kính là Ông Cả) ông còn có tên Nguyễn Kỳ Quang là người trực tiếp nhận Hịch Cần Vương và Dụ của Vua Hàm Nghi. Ông cùng với Tú Phương (Lê Thành Phương) dựng cờ Cần Vương khởi nghĩa chống Pháp ở miền Trung, đặt căn cứ tại vùng Đầm Ô Loan thuộc thôn Chí Đức, xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Sau có người đàn ông ở thôn Đông Lộc, xã Hòa Thắng, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên lập mưu bắt Tú Phương giao nộp cho Pháp. Trong sự kiện này nhờ chiếc áo dài mà Tú Phương tương kế tựu kế, dùng kế khổ nhục, hy sinh thân mình để cứu nhiều nghĩa sĩ cần Vương khỏi rơi vào tay giặc Pháp:

Ô Loan nước lặng như tờ 

Thương người nghĩa sĩ dựng cờ Cần Vương 

Trải bao gối đất màn sương 

Một lòng vì nước quên thân bao người

Ai đem dòng máu đỏ tươi 

Nhuộm hồng áo bạc rửa đời tang thương

Ngàn năm hùng khí Tú Phương 

Hãi quân cướp nước, kinh phường buôn dân.

                                Thơ Nguyễn Phúc Quang

3. Sự kiện bà Nguyễn Thị Bình - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cộng hòa Lâm thời Miền Nam Việt Nam với tầm vóc và tiếng nói quyết thắng của toàn dân tộc, qua hình ảnh chiếc áo dài bà mặc, trong cuộc đấu tranh ngoại giao căng thẳng kéo dài với Mỹ. Đã tạo sức thuyết phục tuyệt đối không những trên bàn hội nghị Balê mà còn cả trong điện Vatican khi bà diện kiến Đức Giáo Hoàng...

    Người viết dự tính viết khoảng 156 bài riêng về áo dài các loại và về các trang y phôi dụng chừng 28 bài nữa, trong suốt thời gian từ khi Đức Thái Tổ Gia Dũ Hoàng Đế Nguyễn Hoàng đánh dẹp Dư Đảng nhà Mạc ở vùng Ô Châu ác địa. Và qua nhiều lần hoàn thiện từ Triều Chúa Vũ Nguyễn Phúc Khoát cho đến Triều Vua Thành Thái.

    Nhưng đã có rất nhiều ý kiến sau khi nhiều độc giả tiếp xúc với chúng tôi. Muốn tôi viết ngay trong bài 2 này cách chế tác bộ Áo dài Khăn đóng với những đặc điểm: Đường nét chế tác Vật lý tác động về mặt sinh học đối với sức khỏe trên cơ thể con người...

    Dù vậy, bài này cũng chưa nói đến Khăn đóng mà có lẽ ít ai hiểu được Khăn đóng là gì! Ở đây chữ Đóng trong Khăn đóng không phải có nghĩa là đóng bộ hoặc tạo tác... và những quy chuẩn có tính cách tôn ti về khăn chữ Nhân, khăn chữ Nhất, màu sắc, loại tơ lụa của áo - khăn và trang y phôi dụng trong ngoài vv... Hẹn các bài sau tôi sẽ đề cập rõ ràng.

    Đến đây chúng tôi khẳng định Áo Dài Việt là sản phẩm đúc kết rất đặc thù của Lịch sử Văn Hiến Văn Minh Sức Sống Việt. Từ phương pháp chế tác, cách dùng, những tác động đối với sức khỏe và đời sống vv... Chứ không hề có sự biến tấu từ y phục của người Hời (Chàm) và Xườn Sám của Tàu... Nó khác biệt hoàn toàn từ căn bản và đây là vấn đề Lịch sử Văn Hiến rất cảm động, gắn liền với lịch sử mồ hôi nước mắt, máu xương trong công nghiệp mở cõi dựng nước và giữ nước bao đời của ông cha ta để có được dải giang sơn gấm vóc Việt của Dân tộc anh hùng ngày nay. Đừng nên để cho bất cứ kẻ nào dù với động cơ gì xúc phạm đến!!! Những giá trị Lịch sử Văn Hiến Văn Minh Sức sống Việt này chúng tôi sẽ cũng kiến giải ở những bài sau.

    Nói về cách chế tác, tôi chỉ lược qua một số điểm hết sức bình thường thôi mà ngoài một số người vẫn giữ chính thống của Hoàng Tộc Nguyễn Phúc thì ít ai được biết. Và tôi nêu vài điểm đặc trưng về những giá trị tác động sinh học đối với sức khỏe người mặc qua những đường nét chế tác vật lý như: Tay áo dài lẫn quần áo phối dụng bên trong, chiều dài tay áo được chấm dứt ở ngay huyệt Nội quan bên dưới cườm tay với độ dày có tính chất kích mở của nếp xếp các mối. Như đường thắt ngang dưới nách thì phải được thắt ngang huyệt Phế du và Tâm du sau vai. Những mối xếp và đường thắt ngang eo lưng phải kích mở ngay huyệt Vị du xuống Thận du. Nút thắt dây lưng quần phải kích mở ngay giữa hai huyệt Khí hải và Quan nguyên trước bụng. Ống quần với các nếp xếp phải kích mở ngay huyệt Túc thần thông xuống Hành gian dưới ống chân và bàn chân. Còn nút áo với năm hạt phải được bố trí theo đường đi của kinh lạc mà trong đó, hạt nút đầu tiên phải kích mở ngay huyệt Thiên đột vv...

    Với phương pháp chế tác như thế, mặc thường xuyên và kết hợp với các bài thuốc như: Yết hầu đả thống đơn, Kiện tỳ bình vị tán, Ngự hàn tà kiện phế cao, Hồng dương Ôn thận và Triêu dương truyền thọ tửu, Thanh can dưỡng tạng và Thiên vương bổ tâm hoàn vv... sẽ giúp phòng trị rất hiệu quả một số bệnh sau: Viêm họng - Đẹn các loại, Viêm phế quản và các loại bệnh về phổi, Bệnh tiêu hóa, Đau lưng, Tim, Đau nửa đầu, Hen suyễn, Thiên thời vv... cách ăn mặc với những phương dược phối hợp này từng là bí mật sức mạnh của dân quân Vương Triều Nguyễn Phúc Tộc mà trẻ già trai gái đều dùng được. Và đây cũng là bản sắc dân tộc rất đỗi tự hào. Khi liên tưởng và hiểu ra tại sao xưa kia cứ mỗi lần ta tiến cống, các triều đại Phong Kiến Tàu cứ đòi cho bằng được phải có thầy thuốc và các thợ giỏi trong đó, có thợ may lành nghề hoặc những sách vở liên quan.

    Hiện nay buồn thay! Các bệnh đơn giản thông thường như Viêm họng - Đẹn, Viêm phổi vv... nói trên, đã và đang làm cho không biết bao nhiều người già trẻ trai gái dở sống dở chết, tán gia bại sản trong các bệnh viện nhất là các bệnh nhi là tương lai rường cột nước nhà. Mà đáng lẽ ra nếu không mất gốc thì Dân Tộc Việt đương đại không phải gánh chịu như thế.

    Đến đây người viết dừng lại bài này với lời kết: Nên khẳng định Áo Dài Việt và trang y phôi dụng của nó là của riêng Dân Tộc Việt từ đường nét chế tác Vật lý, tác động Sinh học đối với Sức khỏe và sự Phát triển hoàn hảo đối với cơ thể con người. Nó không hề biến tấu lai căn với bất cứ y phục nào của các dân tộc khác như Hời (Chàm) và Tàu vv... Nó đã hiện hữu suốt bề dầy lịch sử trên dưới 400 năm của nó đã được cả Thế giới công nhận. Áo Dài còn là Dân Tộc Việt Nam còn. Bởi thế, nếu không hiểu biết thì chớ nên nhân danh lai căn mất gốc hoặc bất cứ ý niệm nào khác mà đi làm cái việc loạn ngữ bồi bút.

    Hãy nên nhớ rằng với Nhận thức Đạo lý đơn giản nhất: Lịch sử là dấu vân tay trên căn cước thời gian và đời sống cũng như sự tồn tại phát triển của một quốc gia dân tộc.

    Do đó, không vì yêu ghét hoặc bất cứ một mục đích gì mà đổi trắng thay đen, lộng giả thành chơn làm rối loạn đạo lý và sự thật, xúc phạm phẩm giá giống nòi. Những ai làm như thế là bọn tội đồ thiên cổ....Dân tộc rồi sẽ hiểu ra và không tha cho chúng.

TRÍCH BÁO DOANH NHÂN VIỆT NAM 2008


Chú thích

    Trong bài viết nói về Nguyễn Phúc Quang. Ông Nguyễn Phúc Quang là người trực tiếp nhận Hịch cần Vương và dụ của vua Hàm Nghi bởi vì ông là người (Hoàng Thân Quốc Thích) nên vua Hàm Nghi mới tin tưởng. Ông Lê Thành Phương (tức là Tú Phương) là phó của ông cả Quang và được ông cả Nguyễn Phúc Quang giao phụ trách về quân sự.

    Trong phong trào cần Vương còn có Tán Thảo (Tán là Tán Lý Quân Lương) một chức do ông cả Nguyễn Phúc Quang phong cho ông Tán Thảo. Có nhiệm vụ vận chuyển lương thực để tiếp tế cho những nghĩa sỹ trong lực lượng Cần Vương chống Pháp. Tán Thảo được lệnh dẫn hàng vạn người từ Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên tiến ra Bình Định để hỗ trợ phối hợp với phong trào cắt Tóc Xin Xâu (tức xin bãi bỏ < phu dịch > Sưu cao thuế nặng do thực dân Pháp áp đặt). Khi ra đến Huyện Sông cầu (nơi Pháp đặt toà Công Sứ) thì giáp mặt đạo quân Pháp do một Quan ba (Đại uý) chỉ huy từ Quy Nhơn kéo vào để đàn áp phong trào Khởi Nghĩa. Và tại Sông Cầu Tán Thảo hy sinh do bị một cận vệ của tên Quan ba nói trên dùng báng súng đánh trúng đầu khi ông kéo tên Quan ba xuống ngựa... Phong trào khởi nghĩa của hai tỉnh Bình Định - Phú Yên bị thực Dân Pháp đàn áp đẫm máu. Trên thực tế ông cả Nguyễn Phúc Quang, chính là người lãnh đạo phong trào cần Vương chống Pháp. Đây là một chí sĩ anh hùng dân tộc chống Pháp. Chính phủ Ngô Đình Diệm đã công nhận ông cả Nguyễn Phúc Quang là chí sĩ anh hùng dân tộc.

    Sau năm 1945 đến 1954... những người viết lách ở cả nước không đề cập tới chí sĩ Nguyễn Phúc Quang là vì:

1. Cho ông là người Hoàng Thân Quốc Thích triều Nguyễn.

2. Vì ông có hai người cháu nội theo Việt Minh.

    Có hai sự kiện lịch sử rất đáng ghi nhớ mà hậu thế không thể quên được như:

       Cụ Phan Bội Châu trước khi xuất Bôn sang Nhật đã từng tá túc tại nhà ông cả Nguyễn Phúc Quang hơn ba tháng.

      Sau này Ngô Đình Diệm trước khi dời Việt Nam cũng đã từng tá túc tại nhà của ông Nguyễn Phúc Quang. Trong cuộc đời 60 năm của ông cả Nguyễn Phúc Quang có đến ba lần ông khởi nghĩa chống Pháp.

    Ông Cả ở đây là cái tiếng tôn xưng của những nghĩa sĩ Cần Vương và dân chúng đối với ông chứ không phải chức Hương Cả như một số sách báo đã viết sau 1975. (Và ở Miền Trung trong Lý Hương làm gì có chức Hương cả)

    Bài thơ với tựa đề “Hùng Khí Tú Phương” nêu trên là một trong mười hai bài thơ cần Vương Huyết Lệ do ông Nguyễn Phúc Quang sáng tác:

Ô loan nước lặng như tờ

Thương người nghĩa sĩ dựng cờ cần Vương

Trải bao gối đất màn sương

Một lòng vì nước quên thân bao người

Ai đem dòng máu đỏ tươi

Nhuộm hồng áo bạc, rửa đời tang thương

Ngàn năm hùng khí Tú Phương

Hãi quân cướp nước, kinh phường buôn dân

Sinh Vị Quốc, Tử Vi Thần

Lời thề độc lập nghĩa nhân khắp trời

Uy Linh Hồng - Lạc sáng ngời

Lửa thiêng chính khí muôn đời còn reo...


Dẫn nguồn:
https://vanminhsucsongviet.com/blog
https://vanminhsucsongviet.net/blog