NHÀ LÁ MÁI

Nghệ thuật tiến hóa trong kiến trúc Gia cư Dân tộc Việt

Đạo nghĩa xưa nay hễ làm người ở trên đời có đủ lương tri, lương năng, ai ai cũng phải có ngôi nhà để làm căn bản phát triển bền vững cho gia đình mình.

Nói cách đơn giản khác, khởi chí tu đức lập thân xiển nghiệp của con người phải được xuất phát từ nền tảng an cư lạc nghiệp. Hơn nưa, cây có cội nước có nguồn, ngôi nhà còn làm nơi bảo tồn truyền thống Văn hiến thờ phụng Tổ tiên nhằm thiết đặt giềng mối gia phong hiếu lễ… cho con cháu nhiều đời sau gìn giữ noi theo.

Khi kiến lập gia cư không ai không mơ ước phải chắc chắn trước những biến thiên khắc nghiệt của thiên tai, địch họa bằng nguyên vật liệu mà thiên nhiên ban sẵn tại chính nơi mình đang sinh sống, tiêu biểu của sự trường tồn của Miêu Duệ sau này. Với các quan niệm đúng đắn đậm màu sắc dân tộc bản sắc nhân văn nói trên: Nhà Lá Mái đã ra đời.

Nhà Lá Mái ra đời từ lúc Tây Sơn nổi dậy. Có dịp chúng ta sẽ nói kỹ hơn về sự kiện này.

Từ năm 1954, người viết mới thực sự trở về và ở tại quê ngoại trên đất Quảng. Năm 1958 hoàn cảnh đất nước tốt hơn, người viết về một nơi mà bộ phận gia đình phía nội đã sinh cư khá lâu đời.

Khi còn nhỏ sống trong ngôi nhà Lá Mái lượn hình chữ Công khá lớn của ngoại. Tuy lúc đó là thời đổi đời, học hành có khác nhưng các dì, các mợ khi ru con cháu đều bằng những lời từ các bài học luân lý hiếu để… trong sách Quốc Văn Đồng Ấu hoặc Quốc Văn Giáo Khoa Thư với những câu như:

Con ơi! Muốn nên thân người

Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha

Gái thì giữ việc trong nhà

Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa

Trai thì đọc sách ngâm thơ

Dùi mài kinh sử…

Hoặc thơ của Tản Đà:

Tan buổi học mẹ ngồi tựa cửa

Mắt trông con đứa đứa về dần

Trông xa con đã tới gần

Một nhà đông đủ quay quần bữa ăn

Cơm dưa muối khó khăn mới có

Của không ngon nhà khó cũng ngon

Khi vui câu chuyện thêm dòn

Chồng chồng vợ vợ, con con một đoàn.

Hơn nữa:

Con nên nhớ tổ tôn ngày trước

Đã từng phen vì nước gian lao

Bắc – Nam bờ cõi phân mao

Ngọn cờ độc lập máu đào còn dây

Kìa Trưng Nữ ra tay dựng nước

Phận liễu bồ xoay với cuồng phong

Giết giặc nước trả thù chồng

Nghìn thu tiếng nữ anh hùng còn ghi

Nọ Hưng Đạo gặp khi quốc biến

Vì giống nòi quyết chí bao phen

Sông Bạch Đằng phá quân Nguyên

Gươm reo chính khí nước rền dư uy…

Chính những lời ru trong ngôi nhà Lá Mái đó đã thấm nhuần, nung nấu ý chí trong ứng xử khuôn thước từ nhỏ của các anh chị em cô cậu, bạn dì… Và nó có giá trị Lễ - Văn tuyệt đối sau này.

Khi người viết lớn lên trong ngôi nhà Lá Mái ấy, để ý quan sát kỹ nơi mà trong cảm nghĩ rằng mình sẽ an cư ở đây, chứ không cần phải lênh đênh nữa.

Ngôi nhà này hình chữ Công rộng lớn tọa trong khu vườn một mẫu, được bao bọc bởi bốn bề tre trúc và đại thụ, cây cảnh xầm uất xanh mát quanh năm và hầu như không lúc nào ngớt tiếng chim ca. Cách hơn trăm thước là những bàu sen rất rộng và cánh đồng bát ngát, trải dài cho tới chân dãy Trường Sơn. Nơi đây như chính là thiên đường trần thế.

Theo như người lớn kể lại thì hồi Việt Minh tiêu thổ kháng chiến, chính quyền hành kháng chỉ ra lệnh cho gia đình đục trống bốn cửa trong vách ngôi nhà và đào hầm cá nhân trốn máy bay ngoài ranh vườn chứ không phá hết. Bom đạn Pháp không làm hề hấn gì ngôi nhà…

Đến mùa xuân 1965 khi chiến họa lên đỉnh điểm, quân đội Mỹ và Đại Hàn đổ bộ, ngôi nhà này cùng tất cả nhà cửa, xóm làng trải dài khắp giải nông thôn miền Trung Việt Nam đều bị đốt phá sạch. Riêng ngôi nhà lá mái của chúng tôi lúc đầu chịu nhiều bom đạn của Mỹ nhưng không bị cháy sập, vì kiến trúc truyền thống Việt vững chắc của nó. Sau do nằm trong khu vực đóng quân đồn, quân Mỹ đã dùng xe ủi lớn ủi sập. Sau khi dùng mìn đánh bật tất cả lũy tre xung quanh đã che chở cho ngôi nhà qua hàng trăm năm. Cuộc tàn phá này cho đến nay, người viết vẫn cảm thấy máu rỉ ra từ tận hồn dân tộc.

Chính tính bền vững đầy nghệ thuật tiến hóa của một dòng kiến trúc gia cư truyền thống thuần Việt đặc sắc, đã đi vào lịch sử Văn Hiến dân tộc mang đậm bản sắc nhân văn quốc túy, quốc hồn. Nó đã tồn tại theo sự phát triển của đất nước bằng chính NỀN VĂN MINH SỨC SỐNG VIỆT là sự kế thừa tinh hoa phát triển qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đầy tự hào. Nhưng buồn thay ngày nay chỉ còn tái dựng rải rác như những chứng tích hoài niệm.

Từ xưa đến nay kiến trúc gia cư nào cũng có 2 loại: cho giới bình dân và cho giới thượng lưu. Vì ở đây tôi chỉ nói đến ngôi nhà của chính mình thôi vì tôi biết rõ nhất mà trong lần trùng tu năm 1957.

Về nguyên liệu truyền thống

§     Thứ nhất, phải đi khắp nơi để mua cho bằng được dẫu với giá cao loại tre nguồn do lụt lội đại ngàn Trường Sơn trôi theo sông xuống, người dân vớt theo củi lụt rồi lựa để dành.

§     Thứ hai, phải mua nhiều tre gai và tre mỡ các nơi khác vì vườn nhà không đủ, về lấy cật tre đúng số lượng và kích thước phân sẵn rồi đem ngâm dưới bùn bàu sen ba năm, cách làm này cho cật tre không bị mối mọt và bền vững trong xây dựng.

§     Thứ ba, chọn mua  những cây gỗ lim lớn làm cột, kèo… và cũng đem ngâm dưới bàu 3 năm.

§     Thứ tư, tìm vỏ cây ô dước, vỏ cây gấm và đặc biệt là hạt và lá cây ký sanh, lá vỏ cây bồ lời, loại bồ lời nhà chùa xay giã lấy bột làm nhang. Các thứ này về ủ, giã ép lấy một dung dịch dẻo quánh như keo, rồi pha với đường mía lâu năm, nấu sôi đủ độ để cho ra một hợp chất kết dính rất dẻo dai. Sau đó, cho vào những thùng đất nung cất kỹ trong chỗ mát hơn một năm, thỉnh thoảng lấy vôi vữa cho vào khuấy đều mỗi lần một ít.

§     Thứ năm tìm cây đước về tẩm lại muối trong hơn một tuần và cũng đem xuống bàu ngâm hơn ba năm…

Về phần kiến trúc truyền thống căn bản.

Ngôi nhà lá mái của người viết được xây 2 tầng với tường dày 7 tấc “tây”, tre ngâm bùn làm mầm trỉ vách hai phía bên trong và ngoài mỗi lớp dày 1,5 tấc, cây đước ngâm bùn được xử lý thêm bằng muối hột nấu chảy pha tiêu, được xếp làm 5 tấc chính giữa vách. Mầm là cây sắp thẳng đứng còn trỉ là cây ngang, cứ mỗi nơi tiếp xúc giữa mầm và trỉ đều được cột lạt chẻ từ tre đã xử lý bùn.

Sau hết, dùng đất bùn trộn với rơm khô, vôi sữa, vôi bột và hợp chất từ các nguyên liệu kết dính đã nói. Dùng sức người đạp đều cho thật nhuyễn mới trét thành bức vách cho đến khi hoàn tất ngôi nhà. Nhờ thế mà qua thời binh lửa, bom đạn không gây hề hấn gì đến nó.

Hai tầng ngôi nhà được xây, tầng một để ở, gồm có một nhà chính “gọi là nhà trên hoặc nhà thờ” có hành lang giáp sân lớn, chính giữa là mái hiên để tiếp khách quý hoặc tiếp họ hàng mỗi khi giỗ chạp, lễ - tết, được ngăn với hành lang bằng một lớp cửa gỗ thường có chạm trổ. Trong cùng là gian thờ phụng tổ tiên, tín ngưỡng và làm chỗ nghỉ ngơi cho người chủ gia đình, cách biệt với mái hiên bằng cửa bàn pha (còn gọi là cửa bức bàn) chạm trổ tinh vi như kèo cột…

Trần nhà được cấu trúc thành sàn lầu, cốt sàn cũng làm y như làm vách với phần mặt trên và dưới sàn được tô láng bên ngoài như tô mặt ngoài vách, bằng hỗn hợp vôi bột, vôi sữa, ô dước, gấm, bồ lời, nhựa của lá và hạt ký sanh, mật đường, muối nấu chảy với tiêu hột,… trần này còn nhằm ngăn cho khỏi cháy lan xuống dưới hoặc lên trên mỗi khi có hỏa hoạn lớn.

Tầng trên sử dụng như tầng cao 3 mét thấp hơn tầng dưới 5 tấc là nơi thờ Liệt Thánh.

Nhà trên được liên kết với nhà dưới bằng một dãy nhà nhỏ gọi là nhà Kiều với bên ngoài tiếp giáp sân lớn có cửa sổ thoáng mát, bên trong tiếp giáp với sân giữa. Thường ngày nhà Kiều làm nơi tiếp khách có đặt một bộ Ván mã lớn và một bộ bàn ghế gỗ bốn chỗ ngồi.

Nhà dưới nối liền với nhà bếp, dùng làm nơi ngủ, nghỉ cho cả gia đình với đầy đủ phòng ốc ngăn nắp, có cả chỗ nghỉ cho bà con xa ở lại.

Nhà bếp để nấu ăn và làm nơi ăn uống hàng ngày cho gia đình còn có hai chai ngoài nhà bếp chứa nông cụ và các vật dụng khác. Sân giữa làm nơi chơi đùa về đêm cho đám trẻ khi gia đình quay quần đằm thắm bên tách trà sen với rượu thơm, bánh ngũ cốc, hàn huyên chuyện gia đạo, thế sự… vang lừng không gian những tiếng nói cười như không bao giờ dứt và là nơi làm bánh trái, chuẩn bị mâm cỗ trong các ngày giỗ lễ, tết nhất tiệc tùng…

Kiến trúc tổng thể của ngôi nhà lượn theo hình chữ Công với diện tích 400m2 , mùa hè mát mẻ, mùa đông không khí ấm áp sinh khí.

Điều thú vị, không biết từ khi nào ở chái tây tầng trên, có bầy chim yến về làm tổ - thật là thiên đường của Ngôn Ngữ Đại Đồng khi bầy chim yến ríu rít đi về, lượn trên màn khói lam sớm chiều vươn lên nhè nhẹ…

Còn “Lá Mái” nó mang ý nghĩa do chỗ kết cấu rất khoa học. Nghĩa này xuất phát từ lịch sử ra đời của nhà Lá Mái từ thời nhiễu loạn Tây Sơn.

Trước khi trét vách phải làm mái nhà và trần nhà trước. Cốt mái nhà và trần nhà được làm như vách nhưng mỏng hơn, chỉ dày 2 tấc. Và được làm thành nhiều tấm nhỏ hình chữ nhật có bộ phận ghép lại được gọi là Lá, nếu ghép lại làm trần thì gọi là Lá Trần, còn nếu ghép lại làm mái nhà thì gọi là Lá Mái, mỗi cạnh ghép đều nằm trên con trượt là loại đòn bẩy rất thuận lợi. Rất dễ sửa chữa khi hư hao, dễ tháo ráp khi tu sửa. Nhất là khi nhà cháy, cần thiết dỡ từng tấm rất dễ dàng không cho lửa hoành hành.

Trên cùng mái lợp tranh săng đánh tấm long hai dày hai tấc, hai mặt tranh được quét đều dung dịch kết dính. Lợp như vậy độ bền của tranh được bảo đảm từ 5 đến 7 năm.

Cầu kỳ hơn trong ý nghĩa thẩm mỹ bên trên mái tranh còn lợp thêm lớp Lá mái ngói, cũng được thiết kế từng lá một nằm trên những con trượt dễ tháo ráp như lá mái tranh.

Xây nhà Lá Mái như vậy, kết hợp với lũy tre quanh vườn còn được sử dụng như “Pháo đài Thủ Đắc chống lại bọn vãng lai cường đạo”.

Tuy chiến họa kéo dài, đã cướp đi những tài sản mồ hôi nước mắt, gây bao điêu linh cho thôn làng dân Việt. Nhưng ngôi nhà Lá Mái đúng nghĩa, vẫn chuyên chở cả truyền thống Văn Hiến Lạc Hồng, vẫn giữ gìn phát triển mạnh mẽ Sức sống Việt cho mai sau.

Có nên chăng khi khơi nguồn Văn Minh Sức Sống Việt, ta phải nên có chính sách trên bình diện quốc gia để khuyến khích tái tạo lại nhà Lá Mái trong đời sống đại đa số dân cư mà những cái hay nhiều mặt của nó đã gắn liền với lịch sử Văn Hiến, thúc đẩy sự phát triển bền vững sức sống dân tộc. Và nếu bất cứ ai không gìn giữ, phát huy Truyền Thống Văn Hiến giống nòi đúng nghĩa, thì đừng mong gì nói đến văn minh và phát triển… Điều này những ai để tâm thì sẽ thấy ngay.

Vinh – Hư – Tiêu – Trưởng là lẽ thường tình trong định luật sống vạn vật, nhưng nhờ ý thức được bản chất lẽ vô thường này và bằng tinh thần tận nhơn tận lực: những bậc Chân mệnh xưa nay dù trong trị hay loạn, đều có giải pháp Dung sinh nhằm bảo tồn và phát triển Miêu Duệ vững bền qua hàng ngàn năm lịch sử.

“Dân tộc Việt có truyền thống Văn Hiến huy hoàng tất phải có tương lai sáng lạn”

Nguồn: Nguyễn Phúc Tộc.

Dẫn nguồn:
https://vanminhsucsongviet.com/blog
https://vanminhsucsongviet.net/blog