Bí mật hải quân nhà Nguyễn - Kỳ 1
07/07/2022 05:25
0 nhận xét
1,085 lượt xem
Kỳ 1: Từ thủy quân đến hải quân
Trước hết, nhà Nguyễn, từ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trở đi, khi đưa dân tộc tiến về phương Nam, mỗi bước chân của tiền nhân không chỉ là đi “mở đất” mà đồng thời còn thực hiện chủ quyền biển đảo. Muốn vậy, nhà Nguyễn phải có một lực lượng hải quân hùng mạnh. Mà muốn có một lực lượng hải quân hùng mạnh thì phải có 3 yếu tố vượt trội: kỹ thuật tàu chiến, vũ khí và quân lương.
Từ một mảnh đất phía sau dãy Hoành Sơn, các Chúa Nguyễn đã không dừng lại ở cái mơ ước “vạn đại dung thân” bé nhỏ cho mình mà còn cùng với dân tộc nhân đôi nước non bờ cõi, phía nam mở nước dài đến mũi Cà Mau, phía đông làm chủ một vùng biển rộng lớn với hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ. Vua Gia Long từng nói: “Thủy chiến là sở trường của ta”.
Thủy chiến vốn là thế mạnh của dân tộc. Nước Đại Việt ta đã dùng thủy chiến để đánh tan những đội quân xâm lược hùng mạnh. Tuy nhiên, những trận đại thắng trên sông Bạch Đằng cùng các trận Chương Dương, Hàm Tử... lừng danh trên thế giới đều là giang chiến. Riêng trận Vân Đồn, nơi Trần Khánh Dư tiêu diệt đội thuyền lương Trương Văn Hổ của quân Nguyên Mông là trận đánh trên biển đầu tiên, nhưng cũng là một trận “duyên chiến”. Đến thời các Chúa Nguyễn, thủy chiến đã được nâng lên một tầm cao mới - hải chiến.
Trận hải chiến đầu tiên được lịch sử ghi nhận là trận do Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần khi ấy còn là thế tử chỉ huy, đánh tan một hạm đội của Hà Lan đến hải phận nước ta “gây hấn” vào năm 1643. Trước đó, vào năm 1585, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên khi ấy còn là một hoàng tử, đã đánh tan một đội tàu chiến 6 chiếc của Nhật Bản (Đại Nam thực lục gọi đây là tàu của “tướng giặc nước Tây dương hiệu là Hiển Quý”, có tài liệu nói đây là tàu Kenki của Nhật Bản) đến cướp bóc vùng ven biển Cửa Việt, nhưng trận này cũng là một trận “duyên chiến”.
Có thể nói Hải quân Việt Nam được khai sinh từ trận đánh thắng đội tàu chiến Hà Lan, vốn là nước có đội tàu chiến hiện đại nhất phương Tây lúc bấy giờ.
Không chỉ đánh thắng tàu chiến Hà Lan và Nhật Bản, hải quân nhà Nguyễn còn đánh thắng tàu chiến Anh sang gây hấn, quét sạch mọi loại giặc biển đến từ Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan... Hệ thống phòng thủ bờ biển được thiết lập dọc theo chiều dài đất nước, không chỉ Phú Quốc, Côn Sơn, Hoàng Sa, Trường Sa mà hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ trên biển đều được tiếp quản, thiết lập chủ quyền và canh phòng cẩn mật, suốt mấy trăm năm không để mất một tấc đảo, một khoảnh nước nào. Trên cơ sở phòng thủ vững chắc, nhà Nguyễn đã thiết lập các tuyến hải hành và mở rộng giao thương với nước ngoài. Tàu thuyền nước ngoài đến tấp nập ở Hội An và các thương cảng; tàu thuyền nước ta cũng cập bến ở nhiều nước Á, Âu. Khiêm cung hòa hiếu nhưng dũng mãnh cương cường, không hại ai nhưng nhất quyết không để ai hại mình, đó là thế đứng vững chắc của nước ta một thời giữa thiên hạ.
Tàu thuyền quân sự và dân sự của nhà Nguyễn gồm 3 loại: tàu thuyền dùng mái chèo, tàu thuyền dùng buồm và tàu bọc đồng chạy hơi nước. Tàu bọc đồng chạy hơi nước có từ thời Vua Gia Long, nói theo ngôn ngữ bây giờ thì nhà Nguyễn đã sớm hiện đại hóa tàu thuyền ngang với thế giới.
J.Barrow trong cuốn Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792-1793 đã ghi lại một bảng thống kê thú vị về quân đội nhà Nguyễn thời Vua Gia Long: Tổng quân số 139.800 người, riêng hải quân có 26.800 người. Barrow còn ghi thêm về việc “hiện đại hóa” hải quân của Gia Long: “Ông đã cho đóng ít nhất 300 pháo thuyền lớn hoặc loại thuyền dùng chèo, 5 thuyền có cột buồm và một chiến hạm đúng theo kiểu tàu châu Âu. Ông cho đưa vào quân đội một hệ thống các chiến thuật hàng hải, và cho những sĩ quan hải quân học cách sử dụng các tín hiệu”.
Nhìn vào những tài liệu đã ghi chép, hầu hết các nhà nghiên cứu đều nhầm tưởng sức mạnh hải quân của nhà Nguyễn chính ở sự “hiện đại hóa” đội tàu theo kiểu châu Âu. Nhưng sự thật không phải vậy. Hiện đại theo cách của người ta thì không bao giờ bằng người ta được, chưa nói đến việc hơn người ta.
Sức mạnh hải quân Nhà Nguyễn nằm ở 3 yếu tố nổi trội nói ở đầu bài: kỹ thuật tàu chiến, vũ khí và quân lương. Cả ba đều là bí mật, không ghi trong sử sách (nếu ghi thì còn gì là bí mật). Chưa ai tìm ra được các tài liệu nói về 3 yếu tố trên, thậm chí cả những hình vẽ và ảnh chụp các tàu chiến nhà Nguyễn cũng không thấy để lại, ngoài một cuốn binh pháp là cuốn Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ, trong đó có đề cập đến các trận pháp và kỹ thuật thủy chiến nhưng cũng không đề cập đến 3 yếu tố trên.
Rất may là các bí mật này vẫn còn lưu lại trong dòng tộc, được ghi khá tường tận trong một cuốn sách bí truyền: Nguyễn Phúc tộc đế phả tường giải đồ, cuốn sách hiện vẫn còn được lưu giữ trong gia tộc Nguyễn Phúc.
Đại Nam thực lục tiền biên có ghi rõ lực lượng thủy binh nước ta thời Chúa Nguyễn Phúc Tần có tới 22.740 quân, bao gồm:
- Cơ Trung hầu 10 thuyền 300 người;
- Nội bộ 60 đội thuyền, hơn 3.280 người;
- 2 cơ Tả trung và Hữu trung, mỗi cơ 14 thuyền, đều hơn 700 người;
- Nội thủy 58 thuyền, 6.410 người;
- Cơ Tả trung kiên 12 thuyền, 600 người;
- Cơ Hữu trung kiên 10 thuyền, 500 người;
- 2 cơ Tả trung bộ và Hữu trung bộ, mỗi cơ 10 thuyền, đều 450 người;
- Cơ Tiền trung bộ 12 đội, mỗi đội 5 thuyền, cộng 2.700 người;
- 4 cơ Tả dực, Hữu dực, Tiền dực, Hậu dực, mỗi cơ 5 thuyền, cộng hơn 1.100 người;
- 4 đội Tiền thủy, Hậu thủy, Tả thủy, Hữu thủy, mỗi đội 5 thuyền, đều hơn 500 người;
- 8 cơ Tả nội bộ, Hữu nội bộ, Tiền nội bộ, Hậu nội bộ, Tả súng, Hữu súng, Tiền súng, Hậu súng, mỗi cơ 6 thuyền, cộng 2.100 người;
- Dinh tả bộ 10 thuyền, cộng hơn 450 người;
- 4 đội Tiền bính, Hậu bính, Tả bính, Hữu bính, mỗi đội 4 thuyền, đều hơn 200 người;
- Cơ Tả thủy 5 thuyền, hơn 200 người.
(Còn tiếp)
"Dân tộc Việt có một nền Văn Hiến huy hoàng tất phải có tương lai sáng lạn"
Nguồn Nguyễn Phúc Tộc.
Dẫn nguồn:
https://vanminhsucsongviet.com/blog
https://vanminhsucsongviet.net/blog
THẢO LUẬN
Chưa có nhận xét cho Bài viết này.