Kỳ 8 : Thiên nhiên hoàn hảo

Thiên nhiên không sinh ra một thứ gì thừa, mỗi loài mỗi vật đều có lý do để tồn tại. Thuận với thiên nhiên thì sống, nghịch với thiên nhiên trước sau gì con người cũng phải trả giá, kể cả nghịch với thiên nhiên trên đồng ruộng.

Từ lâu lắm rồi các nhà khoa học đã kết luận sở dĩ đàn hươu ở vùng Siberia bị suy thoái là do chó sói bị săn bắn quá nhiều, đó là do khi còn nhiều chó sói những con hươu yếu ớt đều bị chó sói diệt, chỉ những “giống tốt” mới tồn tại sinh sôi. Hổ báo, chó sói và các động vật “dữ” khác đều được đưa vào sách đỏ cần bảo vệ. Chuyện bảo tồn thiên nhiên hoang dã ngày nay ai cũng biết, nhưng lại không nhiều người biết ngay thiên nhiên ở xung quanh ta cũng cần được đối xử như vậy.

Ngày xưa trên đồng ruộng nước Nam ta không có sâu bệnh, không có chuột cắn phá, không có châu chấu cào cào tàn hại. Không phải ngày xưa không có những giống đó, mà do cha ông ta biết thuận với thiên nhiên. Lúa và hoa màu được phân bố hợp lý theo mùa, theo thổ nhưỡng khiến cho cây trồng, vật nuôi sinh sôi nhịp nhàng với các sinh vật tự nhiên, “nước sông không đụng đến nước giếng".

“Minh oan” cho loài chuột là một chuyện tức cười, nhưng phải có cái nhìn đúng mức. Con chuột vốn không ở đồng ruộng, không phải là thứ cắn hại lúa và hoa màu. Nó làm tổ, đào hang sống trong rừng rú, ăn những thứ mà thiên nhiên ban cho nó. Chuột cũng góp phần điều hòa sinh thái, khi đến chân ruộng nó cũng tham gia chế ước, cân bằng vi sinh. Ai cũng biết chuột là giống sinh sôi “dữ dằn” nhất trong các giống vật có vú, nhưng tự nó biết hạn giới hạn “dân số” của nó. Trong hai cuốn sách thuốc gia truyền của nhà Nguyễn mà chúng tôi đã nhắc tới và cả trong một cuốn sách quý khác là cuốn “Nguyễn Phúc tộc đế phả tường giải đồ” đều nói đến một hiện tượng lý thú của loài chuột : Mỗi năm vào mùa thu, từng đàn chuột leo lên ngọn tre cắn ngọn, cắn lá, rồi rơi xuống chết, chỉ còn khoảng 20% số chuột còn sống sót. Đó là những con rất khỏe mạnh, chúng sống để tiếp tục sinh sản. Không phải do cắn lá tre mà nó chết, vì lá tre cũng là thứ thuốc (lá tre đông y gọi là “trúc diệp”, đọt tre gọi là “trúc tâm”) chữa được nhiều bệnh tật, mà do “khí số” đã hết nó phải leo lên cây tre để tìm “cửa sinh”. Nhưng những đàn chuột không cưỡng được “mệnh trời”, nên chỉ một số ít con khỏe mạnh nhất mới tồn tại, và được lá tre “tiếp sức” chúng càng khỏe mạnh hơn. Điều kỳ lạ là những lá tre, đọt tre do chuột cắn làm thuốc tốt hơn là những lá tre, đọt tre thường.

Thiên nhiên còn “bổ sung” một cách cân bằng khác, ấy là mỗi khi trời trở gió thì chuột trong hang chết hàng loạt. Dọn dẹp những xác chết này thiên nhiên giao cho đàn quạ. Chớ nên coi khinh con quạ (và con kềnh kềnh). Quạ và kềnh kềnh chỉ chuyên ăn xác chết, nhờ chúng nó mà môi trường trong sạch. Con người không công bằng với con quạ chút nào. Quạ kêu khi có người hoặc súc vật chết (thường do chiến tranh nên chậm an táng, dọn dẹp), nên người ta gán tiếng quạ kêu báo hiệu sự tang tóc, nhưng nó đâu có “ý thức” được đâu là vật đâu là người, nó chỉ đến đến để “làm nhiệm vụ” của nó mà thôi.

Chuột bắt đầu đến làm tổ trên chân ruộng khi rừng rú bị con người phá. Hủy diệt môi trường sống của chúng, chúng phải tìm cách tồn tại. Chuột là loài gặm nhấm nên chúng cắn phá nhiều hơn ăn, nếu hàng ngày không cắn một cái gì đó thì răng chuột sẽ mọc dài ra mà chết (do không ăn được). Trước đây chúng cắn cây cối trong rừng rú, nay thì cắn lúa. Tóm lại, không phải thiên nhiên mà chính con người đã biến chuột thành một thứ “ăn hại”. Còn nói chuột là giống truyền bệnh dịch hạch là nói bừa, nước ta có chuột nhưng không có vi trùng dịch hạch, vi trùng dịch hạch là do người phương Tây mang tới. Cho đến năm 1960 bệnh này mới có tại Việt Nam.

Xem phim ảnh chúng ta thường thấy những trận dịch châu chấu kinh thiên động địa, tưởng tượng đến cảnh châu chấu tràn đến đồng ruộng Việt Nam mà thấy hãi hùng. Nhưng châu chấu vốn cũng là một loài vô tội. Châu Phi thời trung cổ không có nạn châu chấu, nạn này chỉ phát sinh từ khi châu Phi thuộc Anh, thuộc Pháp. Phương thức canh tác của người phương Tây áp dụng tại châu Phi đã làm phá vỡ môi trường sống, nạn châu chấu là một trong cái giá mà con người phải trả.

Công bằng mà nói, ở nước ta xưa kia châu chấu cũng “phá hoại” mùa màng, nhưng nó “phá hoại 1 năm thì có lợi cho 10 năm”. Là vì khi nào mùa màng bị sâu bệnh thì châu chấu mới tới, nó tới để ăn hết lúa và hoa màu bị sâu bệnh, diệt luôn cái mầm bệnh cho tương lai. Còn hạn chế châu chấu thì đã có đàn chim trời làm nhiệm vụ, thiên nhiên khắc biết cách tự cân bằng.

Ngày nay báo chí liên tục cảnh báo nên người ta đã hiểu được cái lợi của những con rắn độc, nhưng đa số vẫn còn thấy ghê ghê với con vật “độc ác” này. Đối với thiên nhiên, con người ác độc hơn nhiều so với thú dữ. Các nhà bảo vệ môi trường tính rằng, cứ một người bị cá mập ăn thịt thì có 1 triệu con cá mập bị con người giết chết, ai độc ác hơn ai đây ? Và đừng tưởng rắn độc cắn chết người rồi suy ra hễ là rắn độc là cắn người. Con rắn độc tự nhiên không cắn người, dẫm vào nó nó mới cắn để tự vệ, nhưng ngay cả khi dẫm vào nó chưa chắc nó đã cắn. Theo thống kê kinh nghiệm của người xưa, cứ 4000 người chạm vào rắn độc chỉ có 1 người bị rắn cắn. Rắn độc, nhất là rắn hổ mang, mai gầm… còn là thứ thuốc quý. Rắn mai gầm kết hợp với rết (đông y gọi là “ngô công”), bò cạp (gọi là “toàn yết”), xác ve sầu (“thiền thoái”), con tằm chín sắp nhả kén (“cương tàm”) chữa được bệnh ngộ độc kháng sinh, ngộ độc hóa chất, chữa chứng phong tê đau nhức, bại xuội… Bệnh thiên đầu thống nếu không có rắn hổ, rết, ve sầu thì rất khó chữa khỏi.

Rắn, rết, bò cạp còn chữa được các chứng ung tỉ, bệnh viêm xoang mũi, bệnh nha cam (răng bị hỏng, thối)… Trên chân ruộng, các loài này góp phần làm cân bằng sinh thái do chúng nó tiêu diệt những sinh vật kém cõi không đáng sống. (còn tiếp)

Dân tộc Việt có một nền Văn Hiến huy hoàng, tất phải có một tương lai sáng lạn

Nguồn Nguyễn Phúc Tộc

Dẫn nguồn:
https://vanminhsucsongviet.com/blog
https://vanminhsucsongviet.net/blog