Kỳ 6 : Vì sao người Việt phải ăn cơm ?

Nền văn minh lúa nước không đơn giản mang yếu tố vật chất và tinh thần, nó còn hàm chứa những điều sâu xa hơn trong cấu tạo cơ thể của người Việt mà khoa học hiện đại chưa lý giải.

Các nhà nghiên cứu cho rằng nền văn minh lúa nước xuất hiện tại khu vực Nam Trung Quốc và Đông Nam Á cách đây khoảng 1 vạn năm. Cần nói qua đôi điều về lịch sử. Nếu chấp nhập tổ tiên của chúng ta là Lạc Long Quân, con vua Kinh Dương Vương, cháu ba đời của vua Thần Nông thì nước ta, khi ấy tên là Xích Quỷ, phía bắc giáp hồ Động Đình (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ngày nay), phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía đông giáp Biển Đông và phía tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày nay). Còn cương thổ nước Văn Lang, có 15 bộ, bao gồm Ung Châu, Khâm Châu (Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay). Cương thổ này chính thức được Trung Quốc thừa nhận, bằng chứng là nó được ghi rõ trong Đại Việt sử lược, mà Đại Việt sử lược là cuốn sách thất truyền của ta, được Nhà Thanh cho in và lưu giữ trong Tứ khố toàn thư, tất nhiên sách đã được sửa chữa cẩn thận, gạt bỏ tất cả những gì không có lợi cho Trung Quốc. Cần nhớ rằng Nhà Thanh là triều đại nổi tiếng câu nệ về chữ nghĩa, lịch sử thời này cho thấy rất nhiều vụ kỳ án xuất phát từ chữ nghĩa mà ra. Như vậy là văn minh lúa nước nằm gọn trong khu vực nước ta thời ấy kéo thẳng về phía cực nam nước ta ngày nay. Người Trung Quốc “bản địa” ở phía bắc tổ tiên ta ngày xưa không sống bằng lúa nước.

Cả một khu vực rộng lớn, ngày nay là phía Nam Trung Quốc thẳng đến mũi Cà Mau, được thiên nhiên tạo thành một bố cục toàn bích của sự sống với cây lúa là “chủ đạo”. Và cơm gạo là nguồn dinh dưỡng chính của người Việt.

Vì sao sao người Việt phải ăn cơm ? Đó là một câu hỏi ngớ ngẩn, nhưng nếu nghĩ cho kỹ thì nó lại giống như câu hỏi “Vì sao chúng ta phải thở ?”. Nếu không thở thì con người sẽ chết. Không ăn cơm có thể không chết, nhưng sẽ “có vấn đề”.

Lúa để lâu năm, gọi là “trùm mễ”, y học cổ truyền gọi là “nhụ mễ”, là một vị thuốc quý. Đó là thứ lúa để lâu trên 10 năm. “Nhụ mễ” chủ trị bệnh bị đói lâu ngày khiến cho men chuyển hóa bị cạn kiệt, đường tiêu hóa mất hết cơ chế hấp thu, nếu ăn vào sẽ không tiêu (thương thực), có thể dẫn đến tử vong. Khi ấy chỉ cần làm cho nôn hết thức ăn ra, rồi dùng 3 thìa canh nước cháo “nhụ mễ” cho uống, men tiêu hóa sẽ được tái sinh. Người dùng quá nhiều kháng sinh, men chuyển hóa cũng bị tiêu tan, ăn uống bị ách tắc. Trường hợp này dùng cháo “nhụ mễ” cũng chữa khỏi.

Đặc biệt, lúa để trên 30 năm gọi là “Triếp dư niên cứu tô mễ” (lúa để lâu trên 30 năm cứu người), là vị thuốc rất quý, chữa được hàng chục bệnh khác nhau, trong đó có bệnh bạch cầu tăng trưởng đột biến khiến cho người bệnh ở trong giai đoạn khởi phát ung thư máu.

Sự ứng dụng của “trùm mễ” cho thấy điều gì ? Nó cho thấy cấu tạo sinh học của cơ thể người Việt nói riêng, của người sống trong nền văn minh lúa nước nói chung, có sự tương tác với nguồn thức ăn chính là lúa gạo. Bình thường, lúa gạo nuôi sống con người. Cơm, cộng thêm một ít thịt cá và rau lá, là đủ mọi thứ dinh dưỡng. Cơm còn có tác dụng tuần hoàn, cân bằng tiêu hóa và đào thải chất độc. Khi bị mất cân bằng tiêu hóa, chính lúa gạo giúp con người khôi phục lại. Bởi vậy người Việt Nam mà không ăn cơm, có lẽ trước sau cũng phát sinh một “vấn đề” nào đó trong cơ thể. Và không phải ngẫu nhiên mà bà con nông dân miền trung thường nói “thuốc nam thuốc bắc … không bằng cơm”.

Cơ thể người Việt không chỉ thích hợp với việc ăn cơm mà còn thích hợp với giống lúa tự nhiên truyền thống. Ăn cơm từ các giống lúa đó, cơ thể người Việt có khả năng “kháng bệnh”. Chúng ta có thể khôi phục lại các giống lúa của tổ tiên mình hay không ? Câu trả lời là: Có, nếu như chúng ta muốn. Tuy gọi là đã bị “tiêu diệt”, nhưng người dân bằng cách này cách khác vẫn bảo tồn được 18 giống lúa cổ truyền.

Vấn đề là các giống lúa nguyên bản cổ truyền nuôi sống người Việt Nam hiện nay không còn được trồng trọt nữa, thay vào đó là hàng loạt các giống lúa đã lai tạo, đã “biến đổi gen”. Ngày xưa, người Việt ta trồng hàng chục các giống lúa tự nhiên, trong đó chủ yếu là lúa chiêm ở miền bắc, lúa gòn ở miền nam (cũng là giống lúa chiêm từ miền bắc đưa vào) trồng ở các vụ chính; lúa bông giang trồng vào lúc thời tiết thích hợp; lúa đen (bà con nông dân thường gọi là gạo lứt) trồng ở ruộng thổ không cần nước; lúa ba trăng trồng ruộng nước ruộng khô đều được; lúa nhe (còn gọi là lúa de) được trồng ở miền nam từ thời Chúa Nguyễn Phúc Trăn… Riêng lúa nhe là giống lúa quý được phát triển mạnh từ thời vua Minh Mệnh, là thứ lúa “vua ăn”, ngày xưa các vùng Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông, Du Long (thuộc tỉnh Đồng Tháp bây giờ) chuyên trồng lúa nhe bán cho triều đình, nên được gọi chung là vùng Hồng Ngự (nghĩa là vùng nuôi sống, bảo bọc, che chở sự sống cho Hoàng Triều). Ngoài ra còn có nhiều giống lúa khác trồng theo đặc điểm của từng vùng thổ nhưỡng.

Ruộng nào lúa ấy là một trong những cách quản lý nông nghiệp nghiêm ngặt vào thời Nhà Nguyễn. Triều đình ra chiếu dụ các địa phương phải dự trữ giống trong 2 năm và quy định ruộng vùng này không được mua giống từ vùng khác. Hàng năm Khâm mạng triều đình đi kiểm tra giống trước khi gieo trồng. Ý nghĩa của ruộng nào lúa ấy thật là lớn lao, nó giữ được chất lượng của hạt gạo và giữ được sự phát triển tự nhiên của cây lúa. Ngày xưa lúa không bị sâu bệnh. Ngay cả bệnh đạo ôn mới phát triển từ năm 1891, thời vua Thành Thái, khi người Pháp mang “phân khoa học” sang.

Ở miền Nam cho đến năm 1964, nông dân vẫn trồng các giống lúa cũ, cộng thêm các giống Nàng Hương, Nàng Thơm, Huyết Rồng… tuy là các giống lúa đã lai tạo nhưng căn bản vẫn là giống lúa tốt. Các giống lúa cũ trồng trên đất ruộng cũ rất ít bị sâu bệnh, không cần nhiều phân bón (chỉ dùng tro và một lượng phân chuồng không đáng kể), nên chi phí rất thấp.

Từ năm 1965, người Mỹ bắt đầu đem giống lúa Thần Nông từ Phillipine sang, ban đầu là cho không nông dân cùng các “phụ kiện”. Vụ Đông Xuân đầu tiên của năm 1966, lúa Thần Nông đem lại “thành công rực rỡ” trên đồng ruộng, với sản lượng đạt tới 2,5 – 3 tấn/1 mẫu đạc điền (5000 m2), tức 5 – 6 tấn/1 ha. Trong khi, với giống lúa cũ, mỗi mẫu đạc điền sản lượng chỉ đạt khoảng 1,2 – 1,5 tấn. Rõ ràng giống lúa mà người Mỹ mang tới tỏ ra “ưu việt” hơn nhiều.

Thế nhưng chỉ 1 vụ sau đó, vào năm 1967, một loạt bất ngờ lại xảy ra : sâu bệnh phát triển mạnh. Muốn giữ được sản lượng thì phải tăng phân bón hóa học và sử dụng rộng rãi hơn thuốc trừ sâu bệnh. Theo tính toán lúc đó, làm lúa Thần Nông người nông dân chỉ lãi chưa tới 1/3 sản lượng do phần lớn chi phí chạy vào túi các nhà sản xuất phân bón và hóa chất, còn làm lúa theo “kiểu cũ”, tỷ lệ lãi lên tới trên 80% do chi phí rất ít, đó là chưa kể cái lợi từ các sản vật phụ trên chân ruộng không bị hóa chất hủy diệt… (còn tiếp)

"Dân tộc Việt có một nền Văn Hiến huy hoàng, tất phải có một tương lai sáng lạn"

Nguồn Nguyễn Phúc Tộc

Dẫn nguồn:
https://vanminhsucsongviet.com/blog
https://vanminhsucsongviet.net/blog