CHUYỆN HOÀNG PHI NGUYỄN THỊ KIM
07/07/2022 16:01
0 nhận xét
1,086 lượt xem
Cuộc đời hoàng phi Nguyễn Thị Kim, vợ ông vua cuối cùng nhà Lê đầy truân chuyên sóng gió nhưng lại sáng ngời phẩm tiết thủy chung, bất khuất. Ngay từ khi hoàng phi tuẫn tiết chết theo vua đã được người đời ca tụng, nhà vua đương triều thì bao phong mĩ tự biểu dương và cho dân quê bà lập am thờ.
Hoàng phi Nguyễn Thị Kim quê xã Bà Khê, tổng Tì Bà, nay là thôn Tì Điện, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Hiện ở quê vẫn còn hậu duệ với hơn hai mươi hộ do cụ Nguyễn Văn Khai là trưởng họ. Họ này còn một chi thuộc dòng Phượng Thái hầu Nguyễn Quốc Đống, anh ruột hoàng phi, định cư ở Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình nay đông tới gần hai nghìn khẩu.
Theo tác phẩm Tiêu cung tuẫn tiết hành của Tô Xuyên hầu Nguyễn Huy Túc làm ngay khi hoàng phi tuẫn tiết thì bà sinh năm 1745 “Năm Cảnh Hưng Ất Dậu mừng sao/Nhà sang sinh bậc nữ hào”, vào cung khoảng năm 1782 “Tuổi mười bảy kén vào cung khuyết”, đến năm 1786 thì có thai và sinh hoàng thái tử “Bính Ngọ liền sớm biết điềm hùng”. Theo cách tính tuổi thời xưa thì năm 1781 là năm hoàng phi mười bảy tuổi. Tuy nhiên thời điểm này vua Lê Chiêu Thống chưa được lập làm thái tử và đang cùng hai em Duy Trù, Duy Chi còn bị chúa Trịnh Sâm giam trong ngục đề lãnh. Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia văn phái thì mãi đến tháng 10/1782 kiêu binh làm loạn sau cái chết của chúa Trịnh Sâm thì họ mới mở cửa nhà giam đưa ba anh em Lê Duy Kỳ ra ngoài. Lúc này vua đã mười bảy tuổi và bị giam liên tục từ năm 1771 đến lúc đó. Theo cách tính tuổi thời xưa thì vua sinh năm 1746, kém hoàng phi một tuổi. Như vậy hoàng phi vào cung ngay sau khi vua ra tù thì cũng phải là cuối năm 1882 khi đã 18 tuổi.
Chuyện hoàng phi vào cung, ở quê bà người già kể: “Hoàng phi từ nhỏ đã xinh đẹp nết na, đảm đang. Hàng ngày bà đều ra đồng cắt cỏ. Dân làng luôn thấy trên đầu bà có đám mây ngũ sắc che mát những khi trời có nắng to, và thường nghe thấy tiếng hát “Tay cầm bán nguyệt xênh xang/Trăm nghìn lá cỏ lai hàng tay ta”. Mọi người đều cho người con gái ấy là người trời xuống trần gian. Một hôm có đoàn thuyền rồng đi kinh lí qua làng. Đến bến sông Tì Bà, vua thấy có đám mây ngũ sắc trên đầu người con gái đang vừa cắt cỏ vừa hát lấy làm lạ bèn đón vào cung lập làm phi”. Lại có người kể khác: “Khi quân Tây Sơn ra Bắc lần thứ hai để trị tội Nguyễn Hữu Chỉnh trái lệnh thì vua đã nghe lời Chỉnh rời kinh thành phát lệnh cần Vương. Trên đường đi Hữu Chỉnh bị bắt, vua còn mấy người hộ tống phải lánh về nhà Trường Phái hầu Lê Quýnh ở huyện Siêu Loại (nay là Thuận Thành). Nhà vua thấy em gái Lê Quýnh trẻ đẹp muốn kén làm phi nhưng do quân Tây Sơn đuổi gấp nên không thực hiện được, vua chạy về Lương Tai ở nhà lực sĩ Nguyễn Quốc Đống, con quan Tham đốc Ván Trung hầu ở thôn Tì Điện. Năm ấy cô Nguyễn Thị Cố mới 17 tuổi, xinh đẹp, đảm đang. Bấy giờ vua nhân thấy cô gái trẻ đẹp vo gạo cầu ao liền đọc câu: “Gạo trắng nước trong, mến cảnh mến người còn thêm mến cả...” Câu nói bỏ lửng nhiều hàm ý. Cô gái thấy vậy đáp: “Gió lầm cát bụi, lo đời lo nước rồi hãy lo cho...” Câu nói cũng bỏ lửng như muốn chia sẻ lo lắng cùng vua. Nhà vua hiểu đã chọn được người tâm hợp cùng chí hướng nên đã kén làm phi và cho đổi tên Cố ra Kim, là quý như vàng. Hoàng phi Nguyễn Thị Kim quả là người con gái đầy nghị lực, luôn theo sát bên vua hầu hạ không quản hiểm nguy. Năm sau bà sinh hạ hoàng thái tử”. Câu chuyện sau có vẻ hợp lý hơn. Vì ngay sau khi lên ngôi, Lê Duy Kỳ bị lôi cuốn ngay vào việc củng cố vị thế của mình trong triều, còn thì giờ đâu mà đi "kinh lý" sang Bắc Ninh.
Về gia thế hoàng phi ta biết là “nhà sang”, Văn bia “Trinh nghĩa am bí kí” dựng năm 1851 tại Tì Điện hiện nay cho biết hoàng phi lúc nhỏ tên huý là Nguyễn Thị Cố, con quan tham đốc Văn Trung hầu (không rõ tên). Bà có anh ruột là Nguyễn Quốc Đống, sau là tụng thần của vua.
Thời gian làm hoàng phi tương đối yên ổn trong khoảng gần 4 năm đầu. Tháng 6/1786, triều đình gặp một biến cố rung trời chuyển đất là việc quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến ra Bắc thắng như trẻ tre, đánh đổ nhà Trịnh, chiếm kinh thành Thăng Long. Do chủ trương phò lê diệt Trịnh nên ngôi vua vẫn yên ổn. Vua Lê Hiển Tông phong chúa Tây Sơn Nguyễn Huệ là Bắc Bình vương và gả công chúa Ngọc Hân cho. Lúc này vua Lê Hiển Tông đã già yếu và đang nằm trên giường bệnh khó qua khỏi. Nhà vua dặn hoàng tự tôn Lê Duy Kỳ: "Ta chỉ sớm tối sẽ trút bỏ gánh nặng, bây giờ lo lắng việc nước là ở mình cháu, cháu phải nghĩ lấy. Binh lính xứ khác còn đóng ở đây, về việc truyền nối ngôi vua là việc trọng đại, cần phải thương lượng bàn bạc với nguyên soái (tức Nguyễn Huệ), chớ nên làm tắt” (Cương mục). Ngày 13/7/1786, vua Lê Hiển Tông qua đời, hoàng tự tôn Lê Duy Kỳ lên ngôi, hiệu là Chiêu Thống. Vừa trải qua sự kiện quân Tây Sơn đánh chiếm kinh thành, cuộc đời hoàng phi lại bắt đầu một thời kì sóng gió mới. Nhà vua cử người cầu viện nhà Thanh. Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị mang mấy chục vạn quân sang giúp vua lấy lại kinh thành. Nhưng tiếng là giúp thực chất là xâm chiếm, biến vua tôi nhà Lê thành bù nhìn. Mùa xuân Kỉ Dậu, vua Quang Trung đem quân thần tốc ra Bắc đã đánh tan mấy chục vạn quân Thanh. Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị hoảng sợ tháo chạy về nước. Triều đình nhà Lê cũng lục tục chạy theo. Hoàng phi Nguyễn Thị Kim nghẽn cầu không qua sông kịp đành phải lánh mình trong nước ở vùng Kinh Bắc. Trước sự truy lùng gắt gao của nhà Tây Sơn, hoàng phi Nguyễn Thị Kim vẫn được dân Kinh Bắc hết lòng phò trợ. Dân vùng Từ Sơn, Yên Phong còn kể lại sự tích trống Chờ cứu mạng hoàng phi: “Bước tiến quân Tây Sơn như gió lay sấm giật khiến vua tôi Chiêu Thống cũng hoảng loạn chạy theo quân Thanh hòng lấy lại cục diện. Đến Từ Sơn triều thần nhà Lê gặp toán quân Tây Sơn đuổi kịp. Hoàng phi chỉ kịp đưa con cho thái hậu bế rồi dẫn một nhóm người chạy vào rừng đánh lạc hướng. Quả nhiên quân Tây Sơn đuổi theo rất gấp. Trong lúc tuyệt vọng thì bỗng thấy một toán quân nai nịt gọn gàng kéo đến xin hộ giá. Đó là vợ chồng tráng sĩ Đào Phùng và Nhị Nương đang chiếm giữ núi Tiêu Sơn. Nhờ Đào Phùng dẫn quân cản đường mà Nhị Nương đưa hoàng phi chạy thoát rồi bà lánh ở chùa Linh Quang với đạo hiệu là Phổ Bác ni cô.
Ít lâu sau quân Tây Sơn dò ra tung tích, cho quân đến vây bắt. Nhị Nương lại đem quân đến cứu. Chạy đến làng Chờ thì quân tây Sơn đuổi kịp. Nhị Nương chạy vào đình làng thấy có chiếc trống đại liền tháo mặt cho bà chui vào rồi chốt lại như cũ. Nhờ đó mà thoát hiểm. Chiếc trống làng Chờ do đó cũng nổi danh xứ Bắc vói câu ca: “Trống Chờ, chuông Chọi, khánh Chõ, mõ Phù Lưu”.
Sau đó được các trung thần Trần Danh Án, Trần Quang Châu hộ giá, hoàng phi cải trang làm sư lánh ở chùa Dương Nham tỉnh Hải Dương (nay là thôn An Đà, phường Đằng Giang, thành phố Hải Phòng). Tin tức không thông, nhà vua mãi không thấy đem quân về phục quốc nhưng hoàng phi vẫn bền tâm chờ đợi. Năm 1792, có tin con trai chết vì bệnh đậu mùa. Năm sau lại có tin vua qua đời. Trung thần Trần Danh Án nhịn ăn chết theo. Hoàng phi vẫn hi vọng đó là tin sai lạc. Vì bà còn có người anh trai là Phượng Thái hầu Nguyễn Quốc Đống luôn hầu cán bên cạnh nhà vua.
Năm 1802, vua Gia Long lập nước. Sau một thời gian thương lượng, tháng 2/1804 các bề tôi Lê Quýnh, Nguyễn Quốc Đống... được phép đưa thi hài vua về nước. Tháng 8, về đến quan ải. Nghe tin hoàng phi đến tận cửa quan chờ đón. Rồi mỗi ngày chỉ ăn hai bát cháo cầm hơi rồi uống thuốc độc tự tử. Những ngày cuối cùng này được văn bia “Trinh nghĩa am” và sách Hoàng Lê nhất thống chí viết tương đối khớp nhau và đều nêu bật được tiết nghĩa cao cả của bà.
Ngay sau khi hoàng phi qua đời, bề tôi cũ nhà Lê là Tô Xuyên hầu Nguyễn Huy Túc đã cảm động làm bài Tiêu cung tuẫn tiết hành ca ngợi. Vua Gia Long ban phong là “An trinh tuẫn nghĩa”, cho dựng bia đá ở quê để tưởng nhớ. Vua Tự Đức làm thơ vịnh trong sách Việt sử tổng vịnh, xếp là liệt nữ và sai quan địa phương dựng am lập bia cho dân thờ phụng. Am thờ và bia dựng xong năm Tự Đức thứ 4 (1851). Bài minh trên bia có câu: “Vĩ tai hiền tần/Nữ trung anh kiệt/Phùng thời bất tường/Thủy chung nhất tiết/Trụ thạch cương thường/Thiên thu tiêu dương” - (Lớn thay vợ hiền/Nữ trung anh kiệt/Gặp thời không may/Trước sau trọn tiết/Trụ đá cương thường/Nghìn năm tuyên dương”. Tên hoàng phi được đặt cho một con phố ở Hà Nội, nay là phố Nguyễn Huy Tự.
Ngày nay, ở thôn Tì Điện (Phú Hòa, Lương Tài, Bắc Ninh) am Trinh Nghĩa vẫn được tôn tạo theo dáng cũ khá khang trang, quy mô nhỏ hơn. Ngày giỗ 12/10 Âm lịch hậu duệ hoàng phi vẫn cúng tế chu đáo. Dân làng thì cúng tế hoàng phi ở chùa vào ngày Rằm tháng Giêng. Riêng thôn An Đà, xã An Biên (nay là phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền) nơi hoàng phi cải trang lánh nạn 15 năm thì dân tôn bà là thành hoàng, mở hội lớn vào ngày hóa 12/10 và nơi đây trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh lớn của thành phố Hải Phòng.
PHẠM THUẬN THÀNH
Đã đăng trên báo Xưa & Nay số 393 tháng 12/2011.
Dẫn nguồn:
https://vanminhsucsongviet.com/blog
https://vanminhsucsongviet.net/blog
THẢO LUẬN
Chưa có nhận xét cho Bài viết này.